Trào Ngược Dịch Mật: Nguyên Nhân, Triệu Chứng, Cách Trị Bệnh
Trào ngược dịch mật là một bệnh lý hiếm gặp về đường tiêu hóa. Tuy nhiên bệnh có thể gây ra rất nhiều vấn đề nghiêm trọng cho sức khỏe, trong đó có cả ung thư dạ dày. Để giúp bạn hiểu rõ hơn về nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị bệnh, hãy cùng tham khảo nội dung có trong bài viết dưới đây.
Trào ngược dịch mật là gì?
Dịch mật là một chất lỏng có màu vàng xanh, hơi nhầy và có độ pH từ 7-7,7. Dịch mật được tiết ra từ gan, đi qua ống dẫn mật và lưu trữ trong túi mật. Dịch mật chính là chất dịch dùng để tiêu hóa chất béo của cơ thể. Nếu không có dịch mật, chất béo và vitamin A, D, E, K sẽ không được cơ thể tiêu hóa, hấp thụ.
Thông thường khi có thức ăn, dịch mật có thể đổ thẳng từ gan, qua ống dẫn mật vào tá tràng hoặc chúng sẽ từ gan quay về tích trữ ở túi mật. Sau khi thức ăn được đưa đến tá tràng, dịch mật sẽ xuống ruột non và thực hiện nhiệm vụ tiêu hóa thức ăn. Lượng dịch mật tiết ra nhiều hay ít còn phụ thuộc vào lượng mỡ có trong thức ăn. Nếu bạn ăn những thức ăn không có mỡ hoặc rất ít mỡ, sự bài tiết mật sẽ giảm.
Giữa ruột và dạ dày có van môn vị, chúng chỉ mở ra khi có thức ăn xuống ruột và đóng lại ngay để ngăn không cho dịch thức ăn ở ruột trào ngược lên dạ dày. Tuy nhiên vì lá do nào đó mà cơ van này hoạt động không bình thường, khiến dịch từ tá tràng trào ngược lên dạ dày hoặc thực quản và đem theo dịch mật. Hiện tượng này được y học gọi là trào ngược dịch mật.
Nguyên nhân gây bệnh chủ yếu
Dịch mật trào ngược là hiện tượng khá hiếm gặp. Nó chỉ xảy ra khi cơ van môn vị của dạ dày hoạt động bất thường khiến dịch mật trào ngược lên dạ dày, thực quản. Dưới đây là những nguyên nhân phổ biến dẫn đến hiện tượng này.
Phẫu thuật túi mật
Những người đã từng phẫu thuật túi mật do mắc các bệnh như: Viêm túi mật cấp tính, sỏi túi mật, u túi mật,… là những đối tượng dễ gặp phải tình trạng trào ngược dịch mật.
Biến chứng do thực hiện cắt dạ dày
Những trường hợp từng phẫu thuật cắt bỏ một phần hoặc toàn bộ dạ dày, điều này cũng có thể khiến cơ môn vị đóng mở không được kín, khiến dịch mật trong dạ dày bị trào ngược lên trên.
Bị viêm loét dạ dày tá tràng
Những người bị viêm loét dạ dày tá tràng thường có nguy cơ bị trào ngược dịch mật cao hơn những người bình thường. Bởi các tổn thương do viêm loét dạ dày sẽ tác động lên cơ môn vị, khiến cho trương lực của cơ môn vị hoạt động bất thường dẫn đến tình trạng trào ngược dịch mật.
Bên cạnh đó, khi bị các bệnh lý về dạ dày sẽ khiến quá trình tiêu thụ thức ăn trở nên khó khăn hơn. Thức ăn không được tiêu hóa kịp sẽ đọng lại trong dạ dày, gây áp lực lên cơ môn vị và cơ thắt dưới thực quản. Điều này khiến cho dịch mật bị trào ngược lên dạ dày và cả thực quản.
Triệu chứng thường gặp
Những người bị trào ngược dịch mật thường có những biểu hiện khá giống với trào ngược dạ dày thực quản. Vì vậy khiến cho nhiều người nhầm lẫn hai căn bệnh này là một và tiến hành điều trị sai phương pháp khiến bệnh mãi không khỏi.
Cụ thể, những người bị trào ngược dịch mật sẽ gặp phải những dấu hiệu như sau:
Đau bụng thượng vị
Thượng vị nằm ở vị trí trên rốn và phía dưới xương ức. Những cơn đau thượng vị có thể xuất hiện âm ỉ hoặc đau một cách dữ dội, kèm theo đó là cảm giác nóng rát, cồn cào ở vùng bụng trên và vùng ngực.
Ợ nóng, đắng miệng, nôn ra chất lỏng màu vàng xanh
Đây đều là những dấu hiệu đặc trưng của bệnh trào ngược dịch mật. Bởi vì mật có màu vàng xanh và rất đắng nên nếu bạn thấy có những triệu chứng này thì có thể khẳng định bạn đã bị mắc bệnh trào ngược dịch mật dạ dày.
Ho khan, khản tiếng
Các dịch vị và dịch mật trong dạ dày trào ngược lên thực quản có thể khiến lớp niêm mạc họng bị tổn thương. Điều này làm cho người bệnh dễ bị khản tiếng, ho khan, khó khăn trong giao tiếp hàng ngày.
Triệu chứng khác
Người bệnh có thể gặp phải một số triệu chứng khác như: Đầy bụng, rối loạn tiêu hóa, giảm cân,…. Do đó khi thấy bản thân xuất hiện những dấu hiệu bất thường này bạn nên đến gặp bác sĩ chuyên khoa để được thăm khám và tìm ra hướng điều trị càng sớm càng tốt.
Trào ngược dịch mật gây có nguy hiểm không?
Trào ngược dịch mật được xem là một chứng bệnh nguy hiểm. Vì thế bạn cần chủ động đến gặp bác sĩ để được kiểm tra. Cụ thể, hiện tượng trào ngược dịch mật gây ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống của người bệnh, khiến người bệnh cảm thấy mệt mỏi, suy nhược, dẫn đến tình trạng chán ăn, mất ngủ, sút cân.
Dịch mật và cách dịch vị acid trong dạ dày khi bị trào ngược lên thực quản, cùng với sức nóng của nó đã khiến cho lớp niêm mạc họng bị bỏng, dẫn đến các chứng bệnh về đường hô hấp, trong đó có cả viêm loét thực quản, Barrett thực quản và ung thư thực quản.
Nếu không điều trị kịp thời, tình trạng trào ngược dịch mật còn có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm như xuất huyết dạ dày và ung thư dạ dày, gây ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe và tính mạng của người bệnh. Vì vậy, bạn nên chủ động đến gặp bác sĩ ngay khi phát hiện triệu chứng trào ngược hoặc sụt cân không rõ lý do.
Chẩn đoán triệu chứng bệnh trào ngược dịch mật
Dựa vào các triệu chứng lâm sàng của người bệnh, bác sĩ có thể chẩn đoán được các vấn đề về trào ngược. Tuy nhiên vẫn cần phải có những phân tích chuyên sâu để phân biệt được người bệnh bị trào ngược dạ dày axit hay trào ngược dịch mật.
Dưới đây là một số xét nghiệm quan trọng sẽ được bác sĩ thực hiện:
- Nội soi: Nội soi sẽ cho thấy được các tình trạng viêm loét ở sâu bên trong dạ dày thực quản. Bác sĩ cũng có thể lấy mẫu mô để xét nghiệm nhằm đánh giá xem người bệnh có bị Barrett thực quản hay ung thư thực quản hay không.
- Xét nghiệm axit: Xét nghiệm axit trong dạ dày có thể giúp bác sĩ phân biệt được người bị bị trào ngược axit hay trào ngược dịch mật.
- Trở kháng thực quản: Xét nghiệm này có thể xác định liệu khí hoặc chất lỏng có trào ngược vào trong thực quản không. Nó thường được sử dụng cho những người nôn ra dịch mật, mà dịch mật thì không thể được phát hiện bằng cách xét nghiệm axit.
Cách điều trị bệnh trào ngược dịch mật dạ dày
Dưới đây là những phương pháp giúp điều trị bệnh trào ngược dạ dày, bạn có thể tham khảo và áp dụng phương pháp phù hợp nhất.
Điều trị bằng Tây y
Với phương pháp Tây y, bạn có thể được chỉ định điều trị bằng thuốc hoặc bằng phẫu thuật. Phác đồ điều trị trào ngược dịch mật được thể hiện cụ thể như sau:
Thuốc chữa trào ngược dịch mật
Nếu bệnh vẫn đang diễn biến ở mức độ nhẹ, bác sĩ có thể cho bạn sử dụng một số loại thuốc đặc trị. Tuy nhiên thuốc không thể điều trị tận gốc bệnh mà chỉ có tác dụng giúp kiểm soát triệu chứng. Một số loại thuốc tân dược bạn có thể sử dụng bao gồm:
- Thuốc ức chế bơm proton: Thuốc này thường được dùng trong trường hợp bị trào ngược axit dạ dày bởi nó có khả năng ngăn chặn điều tiết axit. Đối với người bị trào ngược dịch mật vẫn có thể dùng được loại thuốc này.
- Thuốc Acid Ursodeoxycholic: Thuốc có tác dụng thúc đẩy lưu lượng mật, giảm triệu chứng và tần suất xuất hiện các triệu chứng.
- Thuốc cô lập dịch mật: Thuốc này có tác dụng làm gián đoạn tạm thời quá trình lưu thông mật, giúp giảm hiện tượng trào ngược. Tuy nhiên cần thận trọng khi dùng loại thuốc này bởi nó có thể gây ra nhiều tác dụng phụ.
Điều trị phẫu thuật
Các bác sĩ có thể đề nghị phẫu thuật cho những trường hợp không đáp ứng điều trị bằng thuốc hoặc có dấu hiệu tiền ung thư dạ dày, thực quản. Phương pháp phẫu thuật này có ưu nhược điểm nhất định và cũng chỉ phù hợp với một nhóm đối tượng cụ thể. Vì vậy bạn cần trao đổi kỹ với bác sĩ trước khi tiến hành điều trị bằng phẫu thuật.
Dưới đây là những phương pháp phẫu thuật được bác sĩ áp dụng nhiều nhất:
- Phẫu thuật chuyển hướng: Phương pháp phẫu thuật này được khuyến khích dùng cho những người đã từng phẫu thuật dạ dày và cắt bỏ môn vị. Trong phẫu thuật chuyển hướng, các bác sĩ sẽ tạo một kết nối mới để đưa mật xuống ruột non nhằm chuyển lỗ đổ của mật tránh ra dạ dày.
- Phẫu thuật chống trào ngược: Phần dạ dày gần thực quản nhất được quấn và sau đó khâu quanh cơ thắt thực quản dưới. Thủ thuật này giúp củng cố van và có thể làm giảm trào ngược axit lên thực quản. Tuy nhiên hiệu quả của phương pháp phẫu thuật này đối với người bị trào ngược dịch mật vẫn chưa có nhiều thông tin.
Điều trị trào ngược dịch mật bằng thuốc Đông y
Hiện nay có rất nhiều bệnh nhân tìm đến phương pháp điều trị trào ngược dịch mật bằng thuốc Đông y. Bởi thuốc Đông y được đánh giá là an toàn, lành tính, có tác dụng điều trị bệnh từ căn nguyên gốc rễ. Một số loại bài thuốc Đông y được sử dụng để điều trị bệnh có thể kể đến như:
Bài thuốc số 1:
- Thành phần: Rễ cỏ tranh phơi khô, kim tiền thảo.
- Công dụng: Giúp làm giảm nhanh các triệu chứng buồn nôn, khó ngủ, ợ hơi.
- Cách thực hiện: Rửa sạch các nguyên liệu trên và sắc lấy nước uống trong ngày. Thực hiện liên tục trong vòng 1-2 tháng để bệnh cải thiện.
Bài thuốc số 2:
- Thành phần: Mạch nha, nhân sâm, can khương, thục tiêu,…
- Công dụng: Cải thiện tình trạng buồn nôn, ợ hơi do trào ngược dịch mật.
- Cách thực hiện: Sơ chế các vị thuốc và sắc cùng với 700ml nước, đun đôi đến khi cạn còn 300ml thì uống hết trong ngày vào buổi sáng và tối.
Bài thuốc số 3:
- Thành phần: Bối mẫu, thanh bì, trạch tả, trần bì, đan bì, thược dược.
- Công dụng: Giảm đau bụng, chướng bụng, ợ hơi, điều tiết dịch vị trong dạ dày.
- Cách thực hiện: Sơ chế các nguyên liệu và sắc với 800ml nước. Đun sôi đến khi cạn còn 1 nửa thì chia làm 5 phần uống hết trong ngày. Thực hiện liên tục trong khoảng 1 tháng để điều trị dứt điểm các triệu chứng khó chịu của bệnh.
Điều trị bệnh trào ngược dịch mật bằng nguyên liệu dân gian
Một số nguyên liệu dân gian có tác dụng giúp cải thiện tình trạng trào ngược dịch mật bạn có thể tham khảo áp dụng như sau:
- Nhân trần: Đây là nguyên liệu dân gian thường được sử dụng để nấu nước uống. Việc sử dụng trà nhân trần hàng ngày có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, giúp ức chế vi khuẩn gây hại cho dạ dày. Từ đó giúp điều trị bệnh trào ngược dịch mật, trào ngược dạ dày vô cùng hiệu quả.
- Mật ong: Mật ong có chứa rất nhiều vitamin, các nguyên tố vi lượng và chất chống oxy hóa. Nguyên liệu này có tác dụng giúp làm lành các vết loét giúp tái tạo niêm mạc và phục hồi vết thương trong dạ dày được tốt hơn. Mỗi ngày bạn chỉ cần pha 1 tách trà mật ong và uống vào mỗi buổi sáng khi bụng vẫn còn đói để giúp mật ong phát huy được hết tác dụng.
- Nghệ: Nghệ là một vị thuốc dân gian thường được dùng để trị các bệnh về dạ dày. Chất curcumin có trong nghệ có khả năng làm giảm viêm do vi khuẩn Hp gây ra, chữa đầy hơi, khó tiêu, ợ nóng, đau bụng,… Bạn hãy pha 1 thìa bột nghệ với cốc nước ấm, thêm 1-2 thìa mật ong vào cho dễ uống. Thực hiện đều đặn cho đến khi bệnh tình được cải thiện.
Trào ngược dịch mật nên ăn gì?
Đối với những người mắc các bệnh tiêu hóa nói chung và trào ngược dịch mật nói riêng, chế độ ăn uống đóng vai trò cực kỳ quan trọng. Nó có thể góp phần giúp bệnh tình của bạn nhanh chóng thuyên giảm hoặc khiến bệnh ngày càng nặng hơn. Chính vì vậy việc lựa chọn thực phẩm phù hợp là điều rất quan trọng đối với người bệnh. Dưới đây là chế độ ăn uống mà người bệnh cần bổ sung hàng ngày:
Rau xanh
Những loại rau như bắp cải, súp lơ xanh, rau bina, măng tây, đậu bắp đều là những loại rau người bệnh nên sử dụng. Bởi chúng có chứa rất nhiều chất xơ, vitamin, nước và nhiều khoáng chất thiết yếu khác. Những chất này đều giúp nâng cao thể trạng, cải thiện tiêu hóa, tăng cường hệ miễn dịch, giúp trung hòa dịch vị và làm giảm áp lực lên dạ dày, thực quản. Bên cạnh đó, nhóm thực phẩm này còn giúp cải thiện các triệu chứng như đầy hơi, chướng bụng, khó tiêu, táo bón,… Từ đó giúp cải thiện chứng năng tiêu hóa của dạ dày và đường ruột.
Tinh bột
Tinh bột là thành phần dinh dưỡng giúp sản sinh năng lượng cho cơ thể. Ngoài ra tinh bột còn giúp hấp thu dịch vị dư thừa và giảm tiết dịch mật vào tá tràng. Một số loại thực phẩm giàu tinh bột bạn có thể sử dụng đó là gạo trắng, gạo lứt, yến mạch, bánh mì, lúa mì đen… Nhóm thực phẩm này sẽ giúp kiểm soát tình trạng trào ngược dịch mật từ dạ dày lên thực quản. Tuy nhiên, sử dụng quá nhiều tinh bột sẽ dễ gây tăng cân. Vì vậy nếu đang bị béo phì thì nên ưu tiên dùng các loại thực phẩm giàu tinh bột có hàm lượng đường thấp thay vì gạo trắng và ngũ cốc đã qua tinh chế.
Trái cây
Người bệnh nên bổ sung chất xơ và vitamin từ trái cây. Bởi các loại quả đều giúp cung cấp cho cơ thể một lượng lớn chất xơ và vitamin dồi dào. Hơn nữa, trái cây rất dễ ăn, có hương vị thơm ngon nên sẽ giảm tình trạng đắng miệng, chua miệng do dịch mật trào ngược lên thực quản và cổ họng. Tuy nhiên, bạn nên lựa chọn các loại quả chứa ít axit như chuối, táo, lê, bơ, dưa gang, dưa lưới,… để tránh tình trạng trào ngược nghiêm trọng hơn. Hạn chế dùng các loại trái cây cứng, khó tiêu hóa và chứa hàm lượng axit cao như hồng, cam, chanh, bưởi, quất,…
Sữa chua
Những lợi khuẩn có trong sữa chua rất tốt cho người bị tiêu hóa kém. Lợi khuẩn giúp cân bằng hệ vi sinh đường ruột, ngăn chặn sự phát triển của vi khuẩn gây hại, đồng thời giúp thúc đẩy chức năng tiêu hóa. Vì vậy, bổ sung thực phẩm giàu probiotic có thể giúp tá tràng tiêu hóa thức ăn được nhanh hơn, tránh gây áp lực lên van môn vị. Từ đó giúp hạn chế bùng phát hiện tượng trào ngược dịch mật. Ngoài ra, sữa chua còn giúp làm giảm nhẹ một số triệu chứng của bệnh như: Chậm tiêu, đầy hơi, chướng bụng,… giúp tạo cảm giác ngon miệng, cải thiện tình trạng chán ăn, ăn uống kém của người bệnh.
Thực phẩm có tác dụng chống viêm, giảm nôn
Những người bị trào ngược dịch mật thường hay cảm thấy bị buồn nôn, ăn uống kém, sụt cân, suy nhược cơ thể, mệt mỏi. Vì vậy ngoài những thực phẩm kể trên, bạn còn cần bổ sung thêm các loại thực phẩm có khả năng giảm viêm, chống buồn nôn như: Gừng, mật ong, nghệ,…. Các loại thực phẩm này đều có tác dụng cầm nôn, chống viêm, hỗ trợ đẩy lùi một số triệu chứng do bệnh trào ngược dịch mật gây ra. Vì vậy, người bệnh có thể bổ sung các loại thực phẩm này vào chế độ ăn hằng ngày của bệnh để giúp bệnh được cải thiện.
Biện pháp phòng ngừa, hỗ trợ cải thiện bệnh
Để giúp bệnh trào ngược dịch mật nhanh được cải thiện, dưới đây là một số lưu ý bạn cần quan tâm:
- Chia nhỏ bữa ăn thành 4-5 bữa trên ngày, tránh ăn quá no trong một bữa để làm giảm áp lực lên dạ dày.
- Không sử dụng những loại thực phẩm như: Đồ ăn nhiều chất béo, đồ ăn nhiều gia vị, đồ uống có cồn, đồ ăn cay nóng, đồ uống có cafein, các loại đậu.
- Không hút thuốc lá.
- Không thức quá khuya, nên ưu tiên ngủ đủ 8 tiếng/ngày.
- Hạn chế căng thẳng stress, giữ cho tinh thần luôn vui vẻ, lạc quan.
- Thường xuyên tập thể dục để duy trì cân nặng và hạn chế tình trạng trào ngược dịch mật dạ dày.
- Sau khi ăn cần thời gian nghỉ ngơi, không nằm nghỉ hoặc ngủ ngay.
- Khi ngủ gối đầu cao hơn chân khoảng 10 – 15 cm, dịch mật được tiết ra để tiêu hóa sẽ không trào ngược lên dạ dày thực quản.
Như vậy bài viết trên đây đã giới thiệu tới bạn những thông tin về bệnh trào ngược dịch mật. Hy vọng những chia sẻ này đã giúp bạn có thêm được nhiều kiến thức về căn bệnh này. Nếu thấy có bất kỳ dấu hiệu nào bất thường nghi ngờ bị bệnh, bạn nên đến gặp bác sĩ chuyên khoa để được thăm khám kỹ càng hơn.