Viêm amidan hốc mủ ở trẻ em: Nguyên nhân và cách trị hiệu quả nhất
Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi TTUT,BS CKI Doãn Hồng Phương
Cũng giống như các bệnh lý hô hấp khác, viêm amidan hốc mủ ở trẻ em là bệnh dễ gặp. Đây là một bệnh lý nguy hiểm, khó chữa nếu không được phát hiện kịp thời. Chính vì vậy, cha mẹ cần nắm được nguyên nhân, triệu chứng cũng như cách điều trị để chủ động phòng tránh và đối phó tốt hơn.
Viêm amidan hốc mủ ở trẻ em là bệnh gì? Có nguy hiểm không?
Theo các chuyên gia, bệnh viêm amidan hốc mủ chính là một giai đoạn của viêm amidan mãn tính. Amidan là một hệ thống Lympho nằm ở họng với hình dạng không bằng phẳng. Do đó, amidan thường dễ dàng bị nhiễm khuẩn và phát triển thành viêm amidan.
Ở trẻ nhỏ, viêm amidan giai đoạn đầu thường không kéo dài quá 2 tuần và có thể khỏi nếu chăm sóc tốt. Tuy nhiên, nếu để bệnh kéo dài dai dẳng từ 2 tuần trở lên bệnh sẽ chuyển biến thành viêm amidan hốc mủ với nhiều dịch mủ được tạo ra trong các hốc amidan.
Amidan có chức năng như một hàng rào miễn dịch bảo vệ trẻ khỏi những tác nhân có hại cho sức khỏe. Bởi vậy khi amidan bị bệnh viêm hốc mủ, cơ thể trẻ rất dễ gặp phải các biến chứng nguy hiểm như:
- Biến chứng tại chỗ: Gây áp xe amidan với các triệu chứng sốt cao, sưng, đau rát họng, cứng hàm, khó mở miệng lớn, chảy nhiều nước dãi, khó nuốt,… Khi đó, các nguy cơ viêm phổi, tắc nghẽn ở cổ họng, khó thở và viêm nhiễm ở các bộ phận kề cận cũng sẽ gia tăng đáng gờm.
- Biến chứng gần: Các mầm bệnh tại vị trí viêm có thể lây nhiễm sang những những khu vực xung quanh và tạo thành các bệnh lý khiến trẻ cực kỳ khó chịu như viêm xoang, viêm nướu, viêm tai giữa, phản ứng chậm với âm thanh, hôi miệng. Bên cạnh đó, viêm amidan hốc mủ ở trẻ em cũng làm tăng nguy cơ viêm thanh quản, viêm khí phế quản, viêm tấy hạch dưới hàm, áp xe thành họng.
- Biến chứng toàn thân: Gây ngưng thở khi trong 1 khoảng thời gian ngắn khi ngủ do tắc nghẽn đường thở (chiếm tỉ lệ khoảng 1 – 4%). Sự gián đoạn thở này làm trẻ quấy khóc, khó ngủ vào buổi đêm, mệt mỏi, kém tập trung vào ban ngày. Ngoài ra, ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn có thể dẫn đến các bệnh tim mạch, huyết áp, đau tim thậm chí là đột quỵ khi trẻ trưởng thành.
- Biến chứng xa: Như bệnh sốt thấp khớp gây ra các ảnh hưởng đến van tim, các khớp, nhiều mô mềm và bệnh viêm cầu thận gây suy giảm chức năng thận.
Có thể nói bệnh viêm amidan có mủ ở trẻ rất nguy hiểm nếu bỏ qua giai đoạn vàng để điều trị. Bởi vậy, cha mẹ trẻ không được chủ quan khi trẻ bị viêm amidan có mủ.
Nguyên nhân và triệu chứng trẻ bị viêm amidan có mủ
Tùy thuộc vào cơ địa, mỗi trẻ em bị viêm amidan có mủ sẽ xuất phát từ các nguyên nhân cụ thể và có những biểu hiện đặc trưng riêng.
Nguyên nhân
Sở dĩ trẻ bị viêm amidan cấp mủ là bởi những nguyên nhân chính sau đây:
- Do cấu tạo của amidan: Amidan có vị trí nằm tại khu vực giao thoa giữa đường ăn và đường thở, lại có bề mặt gồ ghề nhiều hốc nhỏ. Bởi vậy đây là nơi trú ngụ rất tốt của các vi khuẩn và vi rút khi xâm nhập vào cơ thể. Từ đó chúng dễ dàng thích nghi, phát triển và gây bệnh cho amidan.
- Do mắc các bệnh viêm nhiễm đường hô hấp: Các bệnh lý đường hô hấp như viêm mũi, viêm xoang mũi dị ứng, viêm tai giữa, viêm họng ở trẻ lâu ngày không chữa dứt điểm sẽ làm vi khuẩn lây lan và gây bệnh cho amidan.
- Do trẻ mắc viêm amidan cấp tính: Trường hợp bé bị bệnh nhưng không được chữa trị kịp thời và đúng cách: Điều này sẽ khiến amidan bị bệnh nặng hơn và chỉ sau một thời gian ngắn sẽ hình thành các hốc dịch mủ chuyển thành viêm amidan hốc mủ.
- Do tác động từ môi trường sống: Sự thay đổi thất thường của thời tiết và ô nhiễm môi trường sống sẽ khiến cho đề kháng của trẻ suy yếu và hình thành bệnh amidan hốc mủ.
- Do chế độ ăn uống không hợp lý: Việc cha mẹ cho trẻ ăn quá nhiều đồ cay nóng, đồ uống lạnh, đồ ăn chiên rán dầu mỡ hoặc vệ sinh răng miệng không sạch sẽ cũng là nguyên nhân lớn gây bệnh ở trẻ.
Triệu chứng viêm amidan mủ ở trẻ em
Khi bé bị viêm amidan có mủ, bé sẽ có những triệu chứng cụ thể và rõ ràng, trong đó có những triệu chứng điển hình sau mà cha mẹ rất dễ phân biệt:
- Hốc amidan xuất hiện mủ trắng hoặc vàng hoặc xanh.
- Amidan sưng đỏ, thấy có các hạt trắng lấm tấm ở bề mặt.
- Nuốt vướng, nuốt khó.
- Đau họng.
- Có thể sốt liền mấy ngày hoặc không sốt.
- Ho khan hoặc có đờm.
- Miệng khô, hôi.
- Mệt mỏi.
- Nước mũi chảy ra nhiều.
- Có đờm nhưng khó khạc ra ngoài.
- Có thể hắt hơi hoặc ho ra các hạt nhỏ màu trắng xanh mùi rất nồng và khó chịu.
- Khi trẻ bị viêm amidan thường quấy khóc, biếng ăn, bỏ ăn, vì vậy, cha mẹ nên quan sát con nhiều hơn để kịp thời phát hiện những dấu hiệu bất thường ở con trẻ.
Chẩn đoán và cách điều trị bệnh viêm amidan hốc mủ cho trẻ
Cha mẹ hãy tham khảo các phương pháp chẩn đoán và cách điều trị dưới đây.
Hình thức chẩn đoán
Khi cha mẹ thấy trẻ xuất hiện những triệu chứng điển hình như trên hoặc coc bất cứ dấu hiệu viêm đường hô hấp nghi ngờ nào thì nên đưa ngay bé đến các cơ sở y tế để thăm khám và kịp thời phát hiện ra bệnh từ đó xây dựng được phác đồ điều trị phù hợp:
- Chẩn đoán lâm sàng: Bác sĩ chuyên khoa sẽ trực tiếp thăm khám và thăm hỏi bệnh nhân về tình trạng sức khỏe. Cha mẹ khi đưa trẻ đi khám cần khai báo tất cả các biểu hiện triệu chứng cho bác sĩ để được chẩn đoán bệnh chính xác nhất. Với các trường hợp biểu hiện bệnh không rõ ràng, bác sĩ sẽ yêu cầu cho trẻ đi thực hiện một số thủ thuật chẩn đoán khác như nội soi, xét nghiệm.
- Nội soi tai – mũi họng: Đây là một trong những kỹ thuật cần thiết, được nhiều bác sĩ chỉ định cho trẻ thực hiện nhằm đưa ra kết quả chẩn đoán chính xác nhất. Bác sĩ tiến hành sẽ sử dụng các thiết bị nội soi, đưa sâu vào khoang mũi, tai, họng của trẻ để chụp ảnh phần bên trong và sẽ đưa ra nhận định tương ứng với hình ảnh nội soi.
- Xét nghiệm đờm: Phương pháp này sử dụng một mẫu chất lỏng (là đờm) được lấy ra sau khi trẻ ho, khạc nhổ từ đó phân tích và xác định nguyên nhân gây nhiễm trùng amidan.
- Xét nghiệm máu: Phương pháp này thường được sử dụng để xác nhận amidan bị nhiễm loại sinh vật gây nhiễm trùng nào hoặc bị nhiễm loại virus gây bệnh nào để xác định hướng điều trị sau này.
Đọc ngay:
Điều trị bằng Tây y
Thông thường khi trẻ có dấu hiệu bị viêm amidan hốc mủ, bác sĩ thường chỉ định một số loại thuốc giúp giảm nhanh các triệu chứng khó chịu khiến trẻ quấy khóc như:
- Thuốc kháng sinh: Augmentin 250mg; Amoxicillin 250mg dạng gói; Amoxicillin 500mg dạng viên
- Thuốc chống viêm nhiễm, kháng virut: Acid clavulanic 31, 25g; Erythromycin 500mg; Roxithromycin 150mg.
- Thuốc kháng viêm, chống phù nề: Alphachymotrypsin 4,2mg; Prednisolon 5mg.
- Thuốc hạ sốt, giảm đau: Paracetamol liều thấp
Khi dùng thuốc điều trị viêm amidan cho bé, dù là thuốc bán theo đơn hoặc không theo đơn thi các bậc cha mẹ vẫn nên tham khảo tư vấn từ bác sĩ trước. Đồng thời, nên cho trẻ dùng thuốc đúng theo hướng dẫn về liều dùng và thời gian sử dụng.
Với các trường hợp viêm amidan hốc mủ ở trẻ em quá nặng, dùng thuốc không đem lại tác dụng, bác sĩ sẽ chỉ định cho trẻ phẫu thuật cắt amidan để giảm áp lực cho cơ thể. Tuy nhiên đây là phương pháp bất đắc dĩ nhất bởi việc loại bỏ amidan cũng đồng nghĩa với việc loại bỏ hàng rào đề kháng chống lại các vi khuẩn xâm nhập qua đường ăn và đường thở của trẻ.
Theo khuyến cáo, độ tuổi cắt amidan thích hợp nhất là trên 4 tuổi. Không cắt bỏ amidan từ khi trẻ còn quá nhỏ vì sẽ ảnh hưởng rất xấu tới khả năng miễn dịch và sau khi cắt có thể mọc lại kèm theo mầm bệnh cũ.
Liệu pháp chữa bệnh bằng Đông y
Khi trẻ bị amidan có mủ, cha mẹ có thể cho bé dùng thuốc Đông y để chữa trị. Các bài thuốc Đông y sẽ là giải pháp tối ưu, giúp khắc phục những tồn tại của thuốc Tây đồng thời, cũng giúp bồi bổ cơ thể, tăng cường hệ miễn dịch, sức đề kháng cho trẻ.
Tuy nhiên, thuốc Đông y thường có tác dụng chậm và chỉ hiệu quả với các trường hợp bệnh ở giai đoạn đầu vì vậy phụ huynh cần cho trẻ uống đều đặn, đúng thời kỳ để đem lại hiệu quả điều trị tốt nhất.
Một số bài thuốc Đông y trị viêm amidan hốc mủ ở trẻ em rất hiệu nghiệm mà phụ huynh có thể cân nhắc lựa chọn cho con em mình sử dụng đó là:
- Bài thuốc 1: Hoàng liên, mộc thông, cam thảo mỗi vị 6g; liên kiều, hoàng cầm, cát cánh, huyền minh phấn, ngưu bàng tử và đại hoàng mỗi vị 10g; ngân hoa, huyền sâm, bồ công anh mỗi vị 15g. Sơ chế tất cả các vị thuốc với nước sạch và sắc cùng với 1 lít nước trong 45 phút, chắt lấy nước thuốc uống làm 4 lần/ ngày, mỗi ngày 1 thang thuốc.
- Bài thuốc 2: Kim ngân hoa, sơn đậu căn, tảo hưu, thiên hoa phấn, triết bối mẫu, bạch chỉ, phòng phong, xích thược mỗi vị 10g; chế nhũ hương, chế một dược, và cam thảo mỗi vị 3g. Rửa sạch và sắc lấy nước thuốc uống 1 thang/ ngày, mỗi ngày 2 lần uống.
- Bài thuốc 3: Tri mẫu, hoàng bá, đan bì, ngưu tất, địa cốt bì, huyền sâm, sơn từ cô, thạch hộc, phục linh, sơn thù du, trạch tả, mỗi vị 10g; mạch đông 15g; sơn dược 20g; thục địa 25g. Làm sạch và sắc chung lấy nước thuốc uống, một thang thuốc mỗi ngày, chia làm 3 lần uống.
Chữa viêm amidan hốc mủ ở trẻ em bằng mẹo dân gian
Mẹo dân gian chữa viêm amidan hốc mủ ở trẻ em cũng là một trong những cách phổ biến nhất được nhiều bậc cha mẹ lựa chọn áp dụng. Một số mẹo dành cho trẻ bị amidan có mủ ngay tại nhà một cách tự nhiên đó là:
Nước ép diếp cá
Lá diếp cá từ lâu đã được biết đến với khả năng thanh nhiệt giải độc, tiêu sưng, chống viêm nhiễm hiệu quả. Đây cũng là vị thuốc xuất hiện nhiều trong các bài thuốc trị ho, trị viêm họng và viêm amidan trong sách y học cổ truyền.
Để trị viêm amidan hốc mủ ở trẻ em bằng lá rau diếp cá, cha mẹ có thể thực hiện như sau:
- Chuẩn bị nguyên liệu: 1 nắm lá rau diếp cá, một chút muối hạt, nước ấm.
- Lá diếp rửa sạch, để ráo nước sau đó đem giã nát cùng với một chút muối ăn và nước ấm.
- Tiếp đến, dùng khăn sạch lọc lấy nước cốt và cho trẻ uống 2 lần mỗi ngày để giảm nhanh các triệu chứng viêm amidan.
Ăn mật ong hấp gừng
Mật ong là loại dược liệu quý với hàm lượng vitamin A, C, E dồi dào cùng nhiều khoáng chất bồi dưỡng cơ thể rất tốt. Sản phẩm cũng được chứng minh là có thể tiêu diệt hơn 60 loại vi khuẩn.
Bởi vậy, từ lâu mật ong đã được dân gian ta sử dụng để làm thuốc dẫn giảm các triệu chứng viêm họng, viêm amidan, ho. Đặc biệt khi kết hợp với gừng, có tính ấm, tăng cường đề kháng sẽ giúp bài thuốc tăng công hiệu lên nhiều lần.
Cách thực hiện bài thuốc tại nhà rất dễ dàng như sau:
- Chuẩn bị nguyên liệu: 1 củ gừng tươi, mật ong nguyên chất
- Làm sạch gừng và thái thành các lát gừng mỏng.
- Thêm mật ong vào bát gừng rồi đem hấp cách thủy khoảng 15 phút.
- Cho bé uống nước cốt của hỗn hợp này 2 – 3 lần mỗi ngày để đạt hiệu quả tối đa.
Nước cốt lá hẹ
Các tinh chất trong lá hẹ có chức năng thay thế được thuốc kháng sinh. Bởi vậy, nhiều phụ huynh đã sử dụng lá hẹ như vị thuốc kháng sinh tự nhiên để giúp cơ thể trẻ thể ức chế vi khuẩn phát triển và cải thiện tình trạng viêm amidan có mủ.
Để đạt hiệu quả điều trị tốt nhất, cha mẹ hãy:
- Chuẩn bị nguyên liệu: 1 nắm lá hẹ còn tươi, gừng, mật ong rừng.
- Lá hẹ, gừng đem rửa sạch, sau đó cắt khúc lá hẹ, thái lấy vài lát gừng tươi.
- Thêm một chút mật ong vào bá lá hẹ, gừng và đem hấp cách thủy.
- Cho bé uống nước cốt hỗn hợp này khi còn ấm, mỗi ngày chỉ cần uống 2 lần.
Các mẹo chữa dân gian trên mặc dù có hiệu quả rất tốt nhưng sẽ chỉ có tác dụng cao nhất với những trường hợp amidan có mủ giai đoạn nhẹ và cần kiên trì trong thời gian dài. Với các trường hợp nặng, các bài thuốc chỉ đem lại tác dụng làm giảm các triệu chứng bệnh mà không thể giúp bệnh khỏi triệt để được.
Cách phòng tránh viêm amidan hốc mủ ở trẻ em hiệu quả
Để các bài thuốc điều trị đạt kết quả tốt nhất cũng như giúp trẻ nâng cao đề kháng nhằm phòng tránh bệnh viêm amidan hốc mủ, cha mẹ cần lưu ý những vấn đề sau:
- Hướng dẫn trẻ vệ sinh và giữ gìn sức khỏe răng miệng, đặc biệt là sau các bữa ăn nhằm tránh tình trạng ứ đọng cặn thức ăn tạo điều kiện cho vi khuẩn, virus sinh sôi nảy nở gây bệnh.
- Cho trẻ súc miệng bằng nước muối loãng pha theo tỉ lệ 1% hoặc dùng nước muối sinh lý để làm sạch khoang miệng, đồng thời ngăn ngừa hôi miệng, viêm amidan hốc mủ ở trẻ em.
- Không nên cho trẻ ăn quá nhiều thực phẩm cay nóng, đồ chiên rán dầu mỡ, nói không với nước lạnh, nước đá.
- Tuyệt đối phải giữ ấm cơ thể cho trẻ vào mùa đông, đặc biệt là vùng tai và cổ.
- Khi bé mắc các bệnh tai mũi họng, cha mẹ nên đưa trẻ đi khám để điều trị càng sớm càng tốt nhằm tránh biến chứng sang bệnh viêm amidan có mủ.
- Cho trẻ đi khám sức khỏe định kỳ 6 tháng 1 lần để có thể chắc chắn về tình trạng sức khỏe của trẻ.
Trên đây là những thông tin hữu ích về căn bệnh viêm amidan hốc mủ ở trẻ em. Hy vọng rằng với những chia sẻ quan trọng này có thể giúp ích cho các bậc phụ huynh trong quá trình chăm sóc và bảo vệ sức khỏe của con em mình.
Nên tìm hiểu: