Chuối hột rừng
Chuối hột rừng là một loại quả tự nhiên, thường mọc hoang nhiều ở những khu vực miền núi phía Bắc, được ứng dụng rất nhiều trong điều trị các bệnh lý. Vậy, cây chuối hột rừng có tác dụng như thế nào với sức khỏe con người và cách sử dụng chúng ra sao? Bài viết dưới đây, chuyên trang xin giải đáp giúp quý bạn đọc những thông tin về loại dược liệu này.
Tìm hiểu về chuối hột rừng, những thông tin cơ bản
Chuối hột rừng không còn là loại quả xa lạ với nhiều người, đặc biệt là những người dân miền núi. Tuy nhiên, không phải ai cũng có những hiểu biết về loại dược liệu đặc biệt này.
Dưới đây là một số thông tin cơ bản về dược liệu chuối hột:
- Tên dược liệu: Chuối hột rừng
- Tên gọi theo khoa học: Musa paracoccinea
- Thuộc họ: Musaceae (Chuối)
Đặc điểm thực vật của dược liệu
Chuối hột rừng tươi có những đặc điểm nổi bật sau đây:
- Cây chuối hột thuộc thân xốp giống chuối nhà, cao khoảng 3m đến 4m.
- Lá cây có những đặc điểm khác với chuối nhà, mặt dưới của lá có nhiều tia.
- Bông chuối có màu đỏ thẫm, thường mọc thẳng đứng từ ngọn cây.
- Chuối hột rừng không có nhiều nải như chuối nhà, thông thường mỗi cây trưởng thành chỉ có từ 5 đến 10 nải.
- Quả là bộ phận chính được sử dụng làm thuốc trị bệnh. Một quả trung bình sẽ có đường kính từ 4mm đến 5mm, có chứa nhiều hạt màu đen. Hạt hơi chát, chứa nhiều chất dinh dưỡng cao nên chúng rất tốt cho sức khỏe người dùng.
Phân biệt chuối rừng và chuối nhà: Nhìn bên ngoài khá khó để phân biệt được chuối rừng và chuối nhà. Người dùng có thể dựa vào những đặc điểm cơ bản sau đây để phân biệt hai loại chuối này:
- Chuối rừng: Thân và lá của chuối rừng thường dài hơn so với chuối ta. Quả chuối hột rừng nhỏ hơn,khi chín quả có màu đỏ rồi dần dần ngả sang màu vàng. Quả có rất nhiều hạt màu đen bên trong.
- Chuối ta: Quả thường to, ít hạt, có một số giống chuối không có hạt. Khi chín chuối có mùi thơm khá đặc trưng, quả ngọt và có độ béo vừa phải.
Dược liệu mọc ở đâu? Phân bổ như thế nào?
Cây chuối rừng thường mọc hoang ở trong những khu rừng nhiệt đới có đất mềm xốp. Tại Việt Nam, cây phân bổ tại những vùng núi cao như: Tây Bắc, Tây Nguyên, Bắc Trung Bộ… Đặc biệt, chúng rất phổ biến ở Tây Nguyên hay khu vực vùng núi Tây Bắc nên còn được gọi với tên riêng biệt là chuối hột rừng Tây Nguyên và chuối hột rừng Tây Bắc.
Chuối rừng Tây Nguyên thường được để nguyên quả để phơi hoặc sấy khô, khi khô có màu đen. Chuối có kích thước bé và nhiều hạt hơn những loại chuối rừng khác.
Chuối rừng Tây Bắc thường được thái thành lát trước khi mang đi chơi. Khi khô, dược liệu có màu nâu đỏ. So với chuối hột Tây Nguyên thì chuối ở Tây Bắc nhiều thịt, ít hạt hơn và kích thước cũng nhỉnh hơn.
Thu hái và bào chế chuối hột rừng
Hầu như tất cả các bộ phận của chuối hột rừng đều được thu hái và tận dụng vào nhiều mục đích khác nhau. Bởi vậy mà các bộ phận như lá, thân chuối để có thể thu hoạch vào bất kỳ thời điểm nào trong năm. Tuy nhiên, quả và hoa chuối chỉ có thể thu hái khi tới mùa.
Sau khi thu hoạch, quả thường được sơ chế rồi sử dụng tươi hoặc sấy, phơi khô để sử dụng dần. Một số bộ phận khác như hoa, lá và thân được sử dụng tươi.
Việc bảo quản dược liệu cũng cần phải được lưu ý. Sau khi bào chế, chuối hột rừng phải được bảo quản trong túi bóng kín, đặt tại khu vực khô ráo, thoáng mát để tránh mối mọt hay ẩm ướt.
Công dụng của chuối hột rừng với sức khỏe người dùng
Chuối rừng có tác dụng gì và chuối hột rừng chữa bệnh gì là câu hỏi được nhiều người đặt ra khi tìm hiểu về dược liệu này. Chắc chắn, tác dụng của chuối hột rừng với sức khỏe con người rất tốt nên mới được tin dùng. Công dụng của dược liệu đã được kiểm chứng qua cả Đông y và Tây y.
Theo y học cổ truyền, chuối hột rừng có vị ngọt, hơi chát, tính bình và được quy vào kinh Can, Phế, Tỳ và Vị. Trong nhiều ghi chép xưa đã đề cập tới công dụng của dược liệu trong thoái nhiệt, giải độc, lợi tiểu, sát trùng, lương huyết, chữa đầy bụng chướng hơi, chữa đau bụng, điều trị sỏi thận, sỏi tiết niệu, xương khớp… Ngoài ra, sử dụng thân chuối còn hỗ trợ tích cực trong điều trị bệnh lý đái tháo đường, nói sảng.
Theo y học hiện đại, dược liệu có chứa nhiều chất khoáng, vitamin cùng nhiều thành phần hóa học khác như polyphenol, tannin, saponin, anthocyanin, cyanidin… Với những thành phần đó, sử dụng hạt chuối rừng có tác dụng gì? Những dưỡng chất có trong dược liệu có khả năng điều trị đau tạng phủ, táo bón, giảm đau như xương khớp và hỗ trợ làm lành đường tiêu hóa bị viêm loét.
Cách sử dụng chuối hột đúng cách
Đây là dược liệu không chứa độc tính nên hầu như không có giới hạn về liều lượng sử dụng. Tuy nhiên, theo kinh nghiệm dân gian, không nên sử dụng chuối còn xanh, có thể gây ngộ độc và táo bón.
Với rượu chuối, người bệnh chỉ nên dùng 15 – 20ml một lần và ngày sử dụng 2 – 3 lần. Không dùng quá nhiều sẽ ảnh hưởng xấu tới sức khỏe, đặc biệt tới dạ dày.
Dưới đây là một cách sử dụng chuối hột đúng cách
Chuối hột ngâm rượu
Để dược liệu phát huy được hết tác dụng, khi ngâm rượu, người bệnh cần phải tuân thủ theo những bước sau đây:
- Sử dụng chuối hột rừng khô đã thái lát, chuẩn bị rượu trắng khoảng 45 độ và bình ngâm rượu có nắp.
- Sơ chế sạch chuối khô rồi cho vào bình ngâm rượu.
- Tiến hành ngâm dược liệu với rượu theo tỷ lệ 1 : 4.
- Không nên cho rượu đầy bình, trong quá trình ngâm, chuối sẽ nở ra và làm tràn bình. Sau khoảng 3 tháng đến 100 ngày, người bệnh có thể sử dụng rượu.
Nấu nước uống
Sử dụng nước chuối hột rừng hàng ngày giúp bồi bổ sức khỏe và ngăn ngừa một số bệnh lý khác nhau. Có hai cách nấu nước uống như sau:
- Sử dụng chuối hột khô nấu nước. Mỗi lần nấu cho 50gr đến 80gr đun cùng 1.5 lít nước. Người bệnh có thể sử dụng thay nước lọc hàng ngày.
- Dùng chuối khô để pha trà. Cho khoảng 10gr chuối pha cùng 150ml nước uống. Sau khi pha, chờ khoảng 5 đến 10 phút để các dưỡng chất có thể ngấm ra trà rồi sử dụng
Các bài thuốc chữa bệnh từ dược liệu chuối hột
Chuối hột rừng là dược liệu quen thuộc, xuất hiện trong nhiều bài thuốc của y học cổ truyền bởi công dụng tuyệt vời mà chúng mang lại. Dưới đây là một số bài thuốc thường được người bệnh sử dụng với hiệu quả điều trị cao.
Điều trị chứng đau bụng kinh
Nguyên liệu chuẩn bị: 50gr chuối hột khô, 3gr cam thảo, 5gr quế chi, mật ong nguyên chất.
Cách thực hiện:
- Sơ chế sạch sẽ chuối hột rồi sao vàng và tán thành bột để tiện sử dụng.
- Tương tự với cam thảo và quế chi, tán nhuyễn thành bột mịn.
- Trộn hỗn hợp các loại dược liệu đã tán bột với mật ong và vo thành từng viên nhỏ vừa dùng.
- Sử dụng thuốc hàng ngày với nước ấm để gia tăng hiệu quả.
Chuối hột rừng hỗ trợ điều trị sỏi thận và sỏi bàng quang
Nguyên liệu chuẩn bị: Hạt chuối rừng.
Cách thực hiện:
- Phơi khô hạt chuối và tán nhỏ thành bột mịn.
- Dùng khoảng 2 lít nước hòa cùng 7gr bột mịn, đun hỗn hợp sao cho cạn nước chỉ còn khoảng ⅔ lượng nước đã đun.
- Sử dụng nước hạt chuối đều đặn, áp dụng trong khoảng 2 – 3 tháng để nhanh chóng loại bỏ sỏi bàng quang và sỏi thận.
Giảm triệu chứng đau nhức chân tay, vai gáy
Nguyên liệu chuẩn bị: 200gr hạt chuối rừng và rượu trắng khoảng 40 độ.
Cách thực hiện:
- Sơ chế rồi tán nhỏ hạt chuối rừng thành bột mịn.
- Cho hỗn hợp rượu trắng và bột hạt chuối vào bình ngâm rượu. Ngâm trong khoảng 10 đến 15 ngày thì có thể sử dụng.
- Mỗi lần dùng cần lắc đều, ngày uống hai lần vào buổi sáng và tối, mỗi lần chỉ dùng 15ml, tránh dùng quá nhiều có thể ảnh hưởng tới sức khỏe người bệnh.
Sử dụng chuối hột chữa bệnh gút
Nguyên liệu chuẩn bị: 3gr quả chuối hột rừng, 2gr tùy giải, 4gr củ ráy và 1gr mướp đắng rừng.
Cách thực hiện:
- Sơ chế, làm sạch tất cả các dược liệu đã chuẩn bị rồi tiến hành sao vàng.
- Khi sử dụng, hòa hỗn hợp dược liệu cùng với nước đun sôi và sử dụng.
- Mỗi ngày dùng 2 – 3 lần và kiên trì áp dụng trong thời gian dài sẽ thấy những triệu chứng của bệnh gút giảm dần.
Hỗ trợ tiêu độc và làm mát phổi trong cơ thể
Nguyên liệu chuẩn bị: 10gr lá chuối, 20gr tinh tre, 20gr mốc cau.
Cách thực hiện:
- Sơ chế, làm sạch tất cả lá chuối hột, tinh tre, mốc cau rồi tán nhỏ.
- Trộn hỗn hợp các dược liệu với nhau và sử dụng hàng ngày.
- Pha bột mịn từ dược liệu đã tán cùng nước sôi để nguội. Kiên trì áp dụng trong 1 – 2 tháng để tấy tác dụng của chuối rừng.
Hỗ trợ điều trị chứng bệnh về đường tiêu hóa
- Bài thuốc điều trị tiêu chảy và đau bụng: Sử dụng vỏ chuối hột khô đã thái lát mỏng, hãm với nước đã đun sôi. Mỗi lần chỉ dùng 4gr – 8gr vỏ chuối để pha, chia làm 2 lần uống mỗi ngày.
- Bài thuốc điều trị kiết lỵ: Dùng 20gr vỏ chuối rừng cùng 20gr vỏ quả lựu, 20gr rễ tầm xuân, 10gr búp ổi. Sơ chế, làm sạch các dược liệu rồi đun thuốc uống hàng ngày cho tới khi các triệu chứng của kiết lỵ biến mất hoàn toàn.
- Bài thuốc điều trị táo bón ở trẻ nhỏ: Dùng 1 hoặc 2 quả chuối hột rừng vùi vào bếp lửa, khi vỏ chuối bắt đầu chuyển sang màu đen thì bỏ ra khỏi bếp. Để chuối nguội hẳn và cắt nhỏ cho trẻ em. Sử dụng bài thuốc cho tới khi trẻ hết tình trạng táo bón thì dừng lại.
Những lưu ý khi áp dụng bài thuốc từ chuối hột rừng
Chuối hột là dược liệu có tác dụng hỗ trợ điều trị rất nhiều chứng bệnh, tuy nhiên, để nâng cao hiệu quả chữa bệnh, bệnh nhân cần phải lưu ý những vấn đề sau đây:
- Bệnh nhân bị đau dạ dày không nên sử dụng thuốc từ chuối hột rừng quá đặc. Theo lời khuyên của các chuyên gia, nên pha loãng với nước đun sôi để nguội, chia nhỏ nước và uống thành nhiều lần trong ngày để không bị ảnh hưởng tới dạ dày.
- Những người bị huyết áp nên lưu ý khi sử dụng rượu ngâm chuối hột, không nên quá lạm dụng thuốc sẽ khiến cơ thể bị nóng lên.
- Không dùng chuối còn xanh, rất dễ gây táo bón và ngộ độc.
- Dùng nồi, ấm bằng sứ hoặc nồi đất để đun thuốc, không nên dùng đồ bằng kim loại, có thể ảnh hưởng tới dược tính của dược liệu.
Trên đây là những thông tin về chuối hột rừng – dược liệu quen thuộc có mặt trong nhiều bài thuốc Đông y. Việc điều trị đòi hỏi người bệnh phải kiên trì và kết hợp với lối sống khoa học, ăn uống hợp lý để quá trình chữa bệnh đạt được hiệu quả nhanh nhất có thể.