Lõi Củ Ba Kích Có Độc Không, Cách Rút Lõi Ba Kích Đúng Chuẩn
Trong Đông y, củ của cây ba kích là một loại thảo dược quý có tác dụng làm tăng sự co bóp của ruột, giảm huyết áp hiệu quả,… Vì có lợi cho sức khỏe con người nên củ ba kích được dùng trong một số bài thuốc hoặc để ngâm rượu. Tuy nhiên, lõi củ ba kích có độc không? hay tại sao ngâm rượu ba kích phải bỏ lõi? là những vấn đề được nhiều người dùng đặc biệt quan tâm. Để có đáp án chính xác cho câu hỏi trên, hay tham khảo bài viết dưới đây.
Lõi ba kích có độc không? Có gây hại cho sức khỏe không?
Điểm dễ nhận dạng của củ ba kích là gấp khúc, có lõi, tuy nhiên nhiều người còn băn khoăn về việc lõi củ ba kích có độc không, bộ phận này có gây hại gì cho sức khỏe. Ts.Bs Nguyễn Thị Vân Anh – Viện trưởng Viện Nghiên cứu và phát triển Y dược học cổ truyền dân tộc giải đáp thắc mắc này như sau:
Lõi ba kích không hề chứa những độc tố gây vô sinh hay gây nguy hại tới sức khỏe như lời đồn. Nhưng bản thân lõi ba kích không có dưỡng chất, có vị chát, nếu để cả lõi ngâm rượu sẽ làm giảm mùi vị cũng như chất lượng của rượu. Đồng thời nó còn làm kéo dài thời gian ngấm và trao đổi dưỡng chất của củ ba kích. Chính vì vậy việc loại bỏ ruột ba kích trước khi ngâm rượu là điều cần thiết.
Ngoài ra sở dĩ có nhiều lời đồn rằng lõi ba kích có độc là do hiện nay thị trường dược liệu thật – giả lẫn lộn. Một số gian thương lợi dụng lòng tin của người tiêu dùng đã trộn ba kích giả, kém chất lượng. Vì vậy trong quá trình sử dụng một số người đã gặp phải những tác dụng phụ như: ngứa ngáy, tiêu chảy, đầy bụng, đi ngoài ảnh hưởng tới sức khỏe,…
Ts. Bs Nguyễn Thị Vân Anh còn chia sẻ thêm, mặc dù là dược liệu quý có lợi cho sức khỏe con người, nhưng không phải người nào cũng có thể dùng và sử dụng liều lượng như nhau. Cụ thể trường hợp người âm hư, hỏa thịnh và đại tiện táo bón bị cấm dùng loại dược liệu này. Chính vì vậy, trước khi sử dụng cần tham khảo ý kiến bác sĩ để tránh ảnh hưởng sức khỏe và tránh hiểu nhầm do lõi ba kích có độc.
Hướng dẫn cách rút lõi ba kích cực dễ
Trên thị trường hiện nay phổ biến hai loại ba kích, là ba kích rừng và ba kích trồng. Tuy nhiên, lượng ba kích rừng trong tự nhiên tại Việt Nam rất khan hiếm, do đó ba kích trồng là giải pháp nhằm đáp ứng nhu cầu chữa bệnh và sử dụng. Nhưng do đặc tính môi trường phát triển khác nhau, mà mỗi loại ba kích sẽ có cách lấy lõi khác nhau.
Cách bỏ lõi củ ba kích bằng tay
Đối với những củ ba kích trồng thường mọng nước, khá mềm nên việc rút lõi khá dễ dàng, bạn có thể dùng tay không là rút được lõi. Hoặc có thể để củ ba kích héo bớt đi, sau đó dễ dàng rút phần lõi rời khỏi phần thịt.
Ngoài ra, bạn có thể dùng dao tách đôi rễ ba kích, tiếp theo kéo đầu lõi về phía sau, như vậy lõi sẽ được tách rời khỏi vỏ.
Cách lấy lõi củ ba kích bằng cách đập dập
Không giống ba kích trồng, ba kích rừng mọc tự nhiên có bộ rễ sần sùi, rất cứng và dai nên không dễ rút được lõi của nó. Vì vậy, cánh bỏ lõi củ ba kích rừng nhanh chóng là đập dập rễ. Bạn chỉ cần cho chúng lên thớt hay bệ và dùng đòn tác dụng lực vào rễ để đập dập. Khi đập, lưu ý dùng lực vừa phải đủ để tách ruột và tránh rễ bị vỡ vụn, gây lãng phí.
Bên cạnh đó, ba kích rừng mọc ở những nơi khô cằn nên lượng nước trong rễ thường nhỏ; do đó trước khi tách không nên đem phơi vì làm vậy sẽ càng khó tách lõi hơn.
Cách rút lõi ba kích trong công nghiệp
Hiện nay, vị dược liệu này được nhiều doanh nghiệp đưa vào sản xuất quy mô công nghiệp. Việc đưa khoa học công nghệ vào sản xuất sẽ giúp nâng cao hiệu quả và tăng cao năng suất hoạt động.
Với khối lượng ba kích lớn, họ thường sử dụng phương pháp hấp hơi và làm mềm. Do sau khi hấp, phần thịt ba kích bám vào lõi sẽ mềm hơn, vì vậy lõi sẽ được rút ra một cách dễ dàng.
Nếu lỡ ngâm rượu với củ ba kích tím còn lõi có sử dụng được không?
Thực tế đã có không ít bạn tiếp nhận sai thông tin và hiểu sai về lõi ba kích. Vì vậy có nhiều trường hợp đem đổ bỏ hoặc không dám sử dụng rượu ngâm ba kích tím quý hiếm chỉ vì lỡ không tách lõi khi ngâm.
Theo bác sĩ Vân Anh, rượu ngâm ba kích còn nguyên lõi vẫn có thể sử dụng bình thường được. Tuy nhiên, khi uống hương vị của nó sẽ hơi chát và không được đậm vị như khi đã bỏ lõi.
Như vậy, từ những thông tin bổ ích trên chắc hẳn chúng ta đã tìm được đáp án cho câu hỏi “Lõi củ ba kích có độc không?”. Hy vọng bài chia sẻ trên có thể cung cấp được nhiều kiến thức bổ ích về tác dụng của củ ba kích và lõi ba kích để chúng ta có cách sử dụng phù hợp nhằm tăng cường sức khỏe.