Cỏ mần trầu
Nhiều người nghĩ rằng cỏ mần trầu chỉ là một loại cỏ dại, không có tác dụng gì cả. Đây là suy nghĩ hoàn toàn sai lầm, cỏ mần trầu được biết đến là một trong những loại dược liệu tốt cho sức khỏe của con người. Để hiểu hơn về loài cây này, hãy cùng chúng tôi khám phá những đặc điểm nổi bật của loại cỏ này qua bài viết sau đây.
Đặc điểm của cỏ mần trầu
Mần trầu là loài cỏ có rất nhiều đặc điểm nổi bật, dưới đây là những thông tin sẽ giúp bạn hiểu hơn về tên gọi, cách nhận dạng cũng như sự phân bố của vị dược liệu này.
1. Những tên gọi khác
Cỏ mần trầu còn được người dân gọi với nhiều tên khác nhau như vườn trầu, màn trầu, cỏ chỉ tía hay ngưu tầm thảo. Người dân tộc Tày gọi chúng là hang ma, tiếng hán người ta gọi dược liệu này là dã kê thảo.
Tên tiếng anh của loại cỏ này là Crowfoot grass. Trong khi đó, tên latin của loài cây này là eleusine indica gaertn. Đây là một loài cây thuộc họ lúa Poaceae.
2. Đặc điểm của cây
Đây là một loại cỏ dài, khi trưởng thành có thể dài đến 90 cm, chúng có phần thân bò dài ở gốc. Khi phát triển, cỏ thường mọc thành những bụi, mỗi bụi thường có một gốc, trong mỗi gốc lại có nhiều nhánh cây khác nhau.
Phần lá của cỏ có hình dài, khoảng 10-15 cm, ngọn lá mỏng và dẹp. Mặt dưới của lá trơn nhẵn có màu xanh sậm, còn mặt trên có một lớp lông nhỏ khá cứng.
Cây mần trầu có hoa được mọc thành các cụm, phần dưới là một cán, phần trên xẻ thành nhiều bông tỏa tròn như chong chóng. Sau một thời gian sẽ hình thành quả với đặc điểm thuôn dài. Quả khá nhỏ có kích thước khoảng 1.5 mm và khá mềm.
3. Phân bố
Trên thế giới, cỏ mần trầu thích hợp sống tại các vùng khí hậu ấm nên thường tìm thấy tại các đất nước nhiệt đới như Campuchia, Trung Quốc và Việt Nam.
Tại nước ta, cỏ mần trầu mọc hoang khắp mọi nơi, chúng sống tại những nơi ẩm ướt như bờ ruộng, ven đường hay các bãi cỏ hoang. Loài cây này có quanh năm, tuy nhiên để tìm được nhiều nhất mọi người nên hái vào đầu Thu cuối Hè.
Dược tính và công dụng của cỏ mần trầu
Cỏ mần trầu là một trong những loại thuốc Đông Y, được biết đến với tính đắng, tính bình cùng các tác dụng hạ nhiệt, tiêu viêm và khả năng cầm máu rất tốt. Do đó, đây là dược liệu thường sử dụng trong các thang thuốc điều trị các bệnh lý như cao huyết áp, lao phổi, giải độc và điều trị động thai ở phụ nữ.
Với y học hiện đại, người ta đã nghiên cứu và thấy rằng trong loài cây này có chứa rất nhiều hoạt chất có tác dụng điều trị bệnh lý. Cụ thể, trong cỏ mần trầu có một lượng hoạt chất flavonoid, stearoif, saponin, tannin và ancaloit cực lớn.
Trong đó, hoạt chất tannin được biết đến với tác dụng điều trị các bệnh lý viêm, dược chất này có tác dụng kháng khuẩn và kháng virus tốt nhất. Hiện nay, các công trình nghiên cứu y học hiện đại về loại dược liệu này vẫn đang được tiếp tục. Chắc chắn loại cây này, sẽ được ứng dụng nhiều trong y học để bảo vệ sức khỏe con người.
Cách dùng cỏ mần trầu hiệu quả
Có nhiều cách sử dụng cỏ mần trầu để chữa bệnh cho con người. Dưới đây là những cách được sử dụng phổ biến nhất:
Bài thuốc chữa sỏi tiết niệu
Khi bạn bị những cơn đau do sỏi tiết niệu, sỏi bàng quang hành hạ thì hãy sử dụng bài thuốc với các nguyên liệu sau đây:
- Cỏ mần trầu 40 gram.
- Bông mã đề 20 gram
- Mộc thông, chi tử, cam thảo, cù mạch: mỗi vị thuốc 8 gram.
- Lá tre 20 lá
- Hương phụ chế 12 gram
- Sinh địa 16 gram.
Cách làm:
- Đem các nguyên liệu rửa cho thật sạch để loại bỏ hết bụi bẩn bên ngoài. Cho các nguyên liệu vào nồi cùng 1,5 lít nước.
- Tiến hành sắc cho đến khi sôi khoảng 15 phút thì tắt bếp.
- Sử dụng thuốc đã sắc làm 3 lần trong ngày. Uống liên tục 10 ngày, các triệu chứng của bệnh sỏi thận tiết niệu sẽ được cải thiện đáng kể.
Lưu ý: Trong trường hợp, bệnh nhân có đái máu thì thêm vào thang thuốc 20 gram rễ cỏ tranh, còn nếu đái buốt thì thêm 12 gram hoạt thạch để sắc cùng.
Bài thuốc thanh nhiệt giải độc
Người đồng bào Chăm đã biết đến loại dược liệu này từ lâu đời, mọi người đã sử dụng loài cây này để giải độc, thanh nhiệt.
Cách làm: Chỉ cần chuẩn bị khoảng 20 gram cỏ mần trầu tươi, sau khi rửa sạch với nước thì đem đi sắc nước uống. Sử dụng nước này thay trà hàng ngày, uống khoảng 3-5 ngày sẽ thấy hiệu quả cực tốt.
Bài thuốc trị nhiệt miệng
Với những người bị nhiệt miệng có thể áp dụng bài thuốc với những nguyên liệu sau đây để điều trị:
- Cỏ mần trầu, rễ cỏ tranh, rau sam, rau má, rau ngót, cây muỗng trâu, rau dền trắng, cây ké, cỏ mực, cam thảo, cây đậu sang: Mỗi vị thuốc lấy 30g.
- 2 khoanh bí đao mỏng
- Sả 1 củ
- Gừng: 3 lát
- 20g vỏ quýt.
Cách làm:
- Tùy từng các vị thuốc mà chúng ta tiến hành làm sạch sao cho hợp lý.
- Tiếp đến, cho tất cả các nguyên liệu đã được chuẩn bị đi sắc với nước, cho ngập nước khoảng 2 cm vào các nguyên liệu.
- Đun sôi thì hạ nhỏ lửa, khi nào thấy nước chỉ còn 1 bát thì tắt bếp.
- Sử dụng nước này, uống ngày 3 lần, mỗi lần một bát.
Lưu ý: Nếu không thể chuẩn bị được nhiều nguyên liệu thì mọi người có thể sắc lại lần 2, lần 3 để uống trong 2 – 3 ngày tiếp theo.
Bài thuốc chữa bạc tóc
Bài thuốc chữa bạc tóc sẽ phát huy hiệu quả nếu chúng ta chuẩn bị đầy đủ các nguyên liệu sau:
- 10g cỏ mần trầu
- 15g vỏ thân cây ngũ ga bì
- 25g rễ khúc khắc
- 15g vỏ thân đỗ trọng.
- rễ cam thảo nhân trần: Mỗi vị thuốc 5 gram.
Cách làm:
- Các nguyên liệu sau khi đã làm sạch thì vào ấm sắc thuốc cùng với 1,5 lít nước. Tiến hành đun sôi khoảng 10-15 phút thì tắt bếp.
- Sử dụng thuốc đã sắc uống trong ngày, nên uống sau bữa ăn khoảng 15 phút. Vào mùa đông, mọi người nên thêm 2 gram gừng để giúp ấm người hơn.
Để việc sử dụng bài thuốc này một cách hiệu quả, mọi người cần kiêng chất tanh, rau muống, đậu xanh và các chất kích thích.
Bài thuốc chữa băng huyết
Khi tìm hiểu các bài thuốc dân gian, chúng tôi đã tìm thấy bài thuốc chữa băng huyết của lương y Vương Đăng. Bài thuốc này giúp cầm máu rất tốt cho các sản phụ sau sinh, mọi người hãy tham khảo.
Nguyên liệu:
- Mọi người cần chuẩn bị cỏ mần trầu, cam thảo nam, rễ tranh, cỏ mực, cây muồng trâu, ra má, cây ké: Mỗi loại nguyên liệu nà,y bạn có thể lấy mỗi thứ 1 nắm.
- Chuẩn bị thêm ngải cứu 10 lá, sả tươi 10 lát, gừng tươi 10 lát và một vỏ quýt tươi.
Cách làm:
- Lấy các nguyên liệu đã được chuẩn bị đi rửa sạch, sau đó cho vào ấm để sắc thuốc. Cho nước ngập nguyên liệu, sắc đến khi còn 2 bát thì tắt bếp.
- Hai bát thuốc này sẽ được chia làm 2 lần, uống một lần vào buổi sáng và một lần vào buổi tối.
- Uống liên tục trong 3-5 ngày, tình trạng băng huyết của sản phụ sẽ được cải thiện.
Những lưu ý khi sử dụng cỏ mần trầu
Cỏ mần trầu biết được biết là một dược liệu có lợi cho sức khỏe, tuy nhiên phải sử dụng chúng một cách khoa học thì mới đem lại hiệu quả điều trị tốt nhất. Dưới đây là một số lưu ý khi sử dụng loài cây này nhằm đảm bảo an toàn và phát huy công dụng tốt nhất:
- Nên lấy cây mần trầu tại những vùng đất sạch, tránh những nơi sử dụng thuốc trừ sâu.
- Trước khi sử dụng bất kỳ bài thuốc nào cần hỏi ý kiến của bác sĩ điều trị, không tự ý dùng các bài thuốc khi chưa có chỉ đị của bác sĩ.
- Nên kết hợp bài thuốc từ cỏ mần trầu với chế độ ăn uống, sinh hoạt khoa học để mang lại hiệu quả tốt nhất.
Trên đây là những thông tin về cỏ mần trầu cũng như cách dùng hiệu quả và những lưu ý khi sử dụng. Hi vọng sau bài viết này, mọi người sẽ hiểu hơn về loại dược liệu tự nhiên này và có thể chọn cho mình những bài thuốc hữu ích để sử dụng.