Kỹ thuật trồng cây đẳng sâm đạt năng suất cao
Đẳng sâm (hồng đẳng sâm) là cây thuốc quý, được mệnh danh là nhân sâm của người nghèo nên nhu cầu sử dụng ngày càng cao. Bởi vậy đẳng sâm được trồng phổ biến trong các gia đình ở Việt Nam với mục đích sử dụng hoặc làm kinh tế. Kỹ thuật trồng cây đẳng sâm như thế nào để có được năng suất, chất lượng tốt nhất sẽ được chúng tôi hướng dẫn một cách chi tiết và cụ thể ngay trong bài viết dưới đây.
Kỹ thuật nhân giống cây đẳng sâm
Cây đẳng sâm con có thể được nhân giống hữu tính từ hạt giống hoặc nhân giống vô tính từ rễ củ đã thu hoạch được. Dưới đây là kỹ thuật nhân giống đẳng sâm từ hạt và rễ củ, bạn có thể tham khảo và lựa chọn một trong hai phương pháp này để nhân giống cây sao cho phù hợp và hiệu quả nhất.
Nhân giống cây đẳng sâm từ hạt giống
Nếu lựa chọn nhân giống cây đẳng sâm từ hạt giống, chúng ta nên gieo hạt vào mùa xuân (tháng 2 đầu tháng 3) hoặc mùa thu (tháng 9 – 10).
Lựa chọn hạt giống cây đẳng sâm
Nhân giống cây là việc làm hết sức quan trọng trong kỹ thuật trồng cây đẳng sâm. Bởi hạt giống đạt tiêu chuẩn sẽ cho giống cây tốt, tạo điều kiện cho cây giống phát triển nhanh, hạn chế sâu bệnh.
Vậy khi chọn hạt đẳng sâm làm giống cần phải chọn những hạt của cây có 2 – 3 năm tuổi. Và nên lựa chọn những hạt già, mới thu hoạch. Khi đó, tỷ lệ mọc của hạt thường sẽ đạt 75% trở lên. Cứ mỗi ha có thể gieo 5 – 6kg hạt giống.
Kỹ thuật nhân giống
Làm đất: Đất để gieo hạt cần được cày hoặc cuốc sâu 30cm, đảm bảo độ tơi xốp, bằng phẳng, ít sỏi đá. Đất đã được để ải, làm sạch cỏ dại. Mỗi ha vườn ươm được rải đều trên mặt luống bằng phân hỗn hợp gồm 10 tấn phân chuồng hoai mục + 150 kg phân lân + 100 kg phân KCl. Sau đó xáo nhẹ, san bằng.
Lên luống: Lên luống cao khoảng 30 cm. Mỗi luống có độ rộng từ 80 – 90 cm và độ dài tùy ý.
Gieo hạt: Hạt giống đem đãi sạch, trộn với đất bột khô rồi đem đi gieo làm 3 lần. Khi gieo xong thì phủ một lớp đất dày 1 đến 2cm rồi phủ rơm/ rạ/ trấu lên trên.
Chăm sóc: Thường xuyên tưới nước, đảm bảo đủ độ ẩm cho vườn ươm. Khi cây cao 7 – 10 cm thì sử dụng 50 – 60 kg ure đem pha loãng với nước tưới cho cây trên mỗi ha vườn ươm. Cậy được 5 – 6 lá thì tỉa bớt cây, mỗi cây cách nhau khoảng 3 – 5 cm để cây phát triển toàn diện. Sau khoảng 3 tháng gieo hạt, cây được 9 – 10 lá. Lúc này chọn cây khỏe mạnh, không bị sâu bệnh để đánh đem đi trồng.
Nhân giống cây đẳng sâm từ rễ củ
Thời điểm để nhân giống hồng đẳng sâm từ rễ củ thích hợp nhất là từ tháng 2 đến tháng 4 hàng năm. Phương pháp nhân giống cây đẳng sâm từ rễ củ được thực hiện như sau:
Lựa chọn rễ củ
Giống rễ củ chọn để nhân giống là những củ có đường kính 1 – 1,5cm, dài 5 – 10 cm. Rễ củ còn tươi nguyên, không bị dập thối, chưa rửa qua nước và đặc biệt là ở phía cuống càng nhiều mắt chồi càng tốt.
Chuẩn bị nhà ươm, giá thể và bầu giâm
Nhà ươm cây đẳng sâm từ củ phải có mái che hoặc được che 2 lớp lưới đen để tránh ánh nắng trực tiếp chiếu thẳng vào bầu cây. Cũng giống như việc chuẩn bị đất trồng trong mô hình trồng đẳng sâm thì việc chuẩn bị giá thể để nhân giống cây cũng đóng vai trò rất quan trọng cần phải thực hiện đúng hướng dẫn. Giá thể được chuẩn bị để đóng bầu ươm được phối trộn đúng theo công thức 70% đất bột, 20% phân chuồng hoai và 10% trấu hun. Trong đó, đất bột được sử dụng là đất đồi, lấy dưới tầng bề mặt khoảng 30cm sau đó đem sàng nhỏ, phơi khô để làm sạch mầm bệnh.
Khi đã chuẩn bị xong giá thể theo đúng yêu cầu, chúng ta tiến hành đóng giá thể vào bầu có kích thước 9x14cm đã được chuẩn bị từ trước. Tiếp đó, xếp bầu thành từng luống trên mặt đất đã được rắc một lớp đất sàng nhỏ dày 1cm của nhà giâm. Kích thước luống tiêu chuẩn để xếp bầu là 1 – 1,2m x 1,5 – 2m.
Kỹ thuật giâm hom
Những rễ củ đạt tiêu chuẩn được chọn đem cắt bỏ toàn bộ lá trên mắt củ. Nếu củ dài quá 5cm thì có thể cắt bỏ phần chóp bằng cách cắt nghiêng góc 30 độ. Sau đó ngâm hom hủ qua dung dịch thuốc trừ nấm bệnh khoảng 1 – 3 phút. Dùng vôi, keo liền sẹo bôi lên vết cắt để tránh sự xâm nhập của nấm. Tiếp đó chúng ta có thể đưa vào hom vào bầu.
Khi đặt hom vào bầu cần lưu ý, đặt phần gốc củ có mắt nổi trên bề mặt giá thẻ khoảng 0,5 – 1cm. Sau khi đưa tất cả hom vào giá thể ta tưới nước hoặc dung dịch thuốc nấm bệnh cho các luống bầu.
Kỹ thuật chăm sóc cây con
Bầu ươm giống hồng đẳng sâm từ rễ củ phải được tưới nước thường xuyên, đảm bảo độ ẩm khoảng 70 – 75%. Không nên tưới quá nhiều gây thối rễ củ. Sau khi giâm khoảng 1 tuần, cây bắt đầu bật mầm. Được 2 tuần thì bổ sung phân bón lá, siêu lân để kích thích ra nhiều rễ, cây chắc khỏe.
Sau khoảng 6 tuần cây có chiều cao 15 – 20cm. Lúc này hãy kéo bỏ lưới che, chỉ che vào những thời điểm nắng gắt trong ngày (10h – 15h). Nếu thấy cây cao quá 2 cm thì bấm ngọn để cây cứng cáp. Cành giâm được khoảng 8 tuần giâm phát triển thành cây non có thể đem ra vườn để trồng.
Kỹ thuật trồng cây đẳng sâm
Để cây đẳng sâm cho năng suất cao, đảm bảo chất lượng tốt nhất thì kỹ thuật trồng và chăm sóc đóng vai trò hết sức quan trọng. Sau khi đã nhân giống, chọn được những cây giống tốt nhất, chúng ta đem đi trồng theo đúng hướng dẫn.
Thời vụ trồng cây đẳng sâm
Cây đẳng sâm mỗi năm có thể trồng được 2 vụ đó là tháng 2 – 3 và tháng 5 – 6. Loài cây này thích hợp với những vùng có khí hậu quanh năm mát mẻ. Nhiệt độ thích hợp để cây phát triển tốt nhất là 18 – 25 độ C. Từ 30 – 40 độ C cây vẫn có thể chịu đựng được nhưng thời gian chịu đựng không kéo dài.
Chuẩn bị đất trồng và phân bón
Cây đẳng sâm thường được trồng trên đồi thoải, ruộng bậc thang hoặc ruộng cao. Đất trồng cây phải cao ráo, nhiều mùn, nhiều chất dinh dưỡng. Đất được cày sâu 30cm, phơi ải, bừa thật kỹ và làm sạch cỏ dại rồi đánh thành luống.
Luống được lên cao 30cm, chiều rộng luống 60cm nếu trồng 2 hàng dọc và không quá 120cm nếu trồng theo hàng ngang. Khi lên luống cần khơi rãnh, đảm bảo độ dốc để thoát nước.
Tùy thuộc vào loại đất để bố trí mô hình trồng cây đẳng sâm với mật độ sao cho hợp lý. Nếu đất tốt thì trồng với khoảng cách giữa các hốc trồng cây là 30x40cm, mật độ 83.000 cây/ha. Nếu đất xấu thì trồng với khoảng cách giữa các hốc 20x40cm, mật độ khoảng 125.000 cây/ha.
Trồng cây đẳng sâm sau 2 – 3 năm mới có thể thu hoạch giống và dược liệu. Vậy nên cần chuẩn bị lượng phân bón sử dụng cho mỗi ha trong vòng 2 năm với số lượng như sau:
- Phân hữu cơ hoai mục: 20 – 25 tấn
- Đạm urê: 450 – 500 kg
- Supe lân: 350 – 400 kg
- Kali Sunphát: 350 – 400 kg
Kỹ thuật trồng cây đẳng sâm con và chăm sóc
Cây con đạt tiêu chuẩn thì đem ra trồng vào các hốc đã đào trước đó. Đặt rễ cây thẳng đứng rồi lấp đầy đất và hốc và dùng tay ấn chặt gốc. Sau đó tưới nước vào hốc cây. Khoảng 1 tuần sau khi trồng cây sẽ bắt đầu bén rễ.
Năm thứ nhất: Cứ 1 tháng chăm cây con 1 lần, làm sạch cỏ, bón đạm. Lượng đạm cần bón cho cây ở giai đoạn này là 200 – 250 kg ure. Bón bằng cách chia làm 3 lần bón, cứ cách 3 tháng bón một lần. Khi cây chuẩn bị ra hoa thì bón 100kg K2SO4 /ha. Vào cuối mùa đông, cây bắt đầu lụi thì cắt bỏ phần thân leo và vệ sinh đồng ruộng.
Năm thứ 2: Khi tiết trời sang xuân, cây mọc trở lại. Ở giai đoạn này, hãy trộn đều 10 tấn phân chuồng + 1/4 lượng kali + 1/2 lượng phân lân rồi vùi quanh gốc cây. Lượng đạm còn lại chia làm 3 phần, cứ cách 3 tháng lại bón một lần. Đến tháng 7, 8 bón tiếp 1/4 lượng kali còn lại.
Khi cây dài 15- 20cm ta tiến hành làm giàn cho cây leo. Có thể dùng tre cắm chéo hình chữ A.
Phòng trừ sâu bệnh hại
Trong kỹ thuật trồng cây đẳng sâm, chắc chắn không thể bỏ qua vấn đề sâu bệnh hại trong khi trồng cây. Bởi cây đẳng sâm hay bất kỳ các loại cây trồng nào cũng bị sâu bệnh hại tấn công, đặc biệt là ở giai đoạn cây còn non. Đẳng sâm thường bị hại bởi sâu xám, sâu xanh, rệp. Khi đó, hãy dùng Sherpa 20 EC, Cyperan 50 EC để diệt trừ.
Các bệnh hại đẳng sâm phần lớn là bệnh lở cổ rễ, khô thân lá. Để diệt trừ hãy dùng Shimen, Zinep hoặc dùng Bordeaux phun định kỳ. Trường hợp cây bị bệnh từ khi còn nhỏ thì nên nhổ bỏ để bệnh không lây lan ra những cây khác.
Thu hoạch, sơ chế, bảo quản cây đẳng sâm
Như đã đề cập ở trên, cây đắng sâm sau 2 đến 3 năm mới có thể thu hoạch. Người ta thường thu hoạch vào cuối mùa đông của năm thứ 2. Khi đó cây đã lụi, ngả màu vàng. Để thuận tiện cho việc thu hoạch, chúng ta nên phá bỏ giàn leo và cắt hết phần thân lá trên mặt đất. Khi thu hoạch, dùng cuốc, thuổng đào, tránh bâm vào củ hay làm đứt rễ.
Nếu muốn giữ rễ của để nhân giống cho vụ sau thì để nguyên đất. Những củ còn lại đem rửa sạch, phơi nắng cho thật khô rồi đóng vào bao chống ẩm và đem đi bảo quản ở kho chuyên dụng.
Đánh giá dược liệu đạt chuẩn
Rễ củ cây đẳng sâm sau khi sơ chế (phơi/ sấy khô) có hình trụ, đường kính 0,5 – 2cm, dài 6 – 15cm. Đầu củ phình to, mặt ngoài của củ có màu vàng nhạt, trên thân củ có nhiều vết sẹo, các đường rãnh ngang dọc. Khi cắt ra thấy củ có màu vàng nâu nhạt, mùi thơm nhẹ, nếm thấy có vị ngọt nhẹ.
Tuy nhiên đây chỉ là đặc điểm được viết trong dược điển của Việt Nam còn củ đẳng sâm thực tế đã trồng và thu hoạch có một số điểm khác biệt. Bên trong củ có màu trắng ngà chứ không phải màu vàng nâu nhạt. Có những củ đẳng sâm thu hoạch được có kích thước rất lớn, đường kính lớn hơn 2 cm và chiều dài dài hơn 15cm.
Nếu còn thắc mắc bất cứ vấn đề gì về kỹ thuật trồng cây đẳng sâm, hãy gọi cho chúng tôi để được tư vấn, giải đáp ngay hôm nay.