Kỹ thuật trồng cây cà gai leo cho hiệu quả và đạt năng suất cao nhất?
Cà gai leo là một trong những dược liệu từ thiên nhiên quen thuộc với tất cả mọi người, do đó, nhu cầu sử dụng cà gai leo ngày một nhiều. Chính vì vậy, cà gai leo đang trở thành một trong những giống cây được trồng nhiều trong mỗi gia đình hoặc với những gia đình mong muốn làm kinh tế với loại cây hữu ích này. Thông qua bài viết dưới đây, hãy cùng tìm hiểu về kỹ thuật trồng cây cà gai leo đem lại hiệu quả và năng suất nhất.
Kỹ thuật chọn giống cây cà gai leo
Công việc đầu tiên cần làm để có thể có năng suất tốt nhất khi trồng cà gai leo thì bạn cần phải lựa chọn giống cây cà gai leo chuẩn nhất, tránh nhầm lẫn với những loại cà khác thành cà gai leo như cà dại, cà tàu.
Đặc điểm cây cà gai leo chuẩn
Cà gai leo có tên khoa học là Solanum procumbens Lour Solanaceae, theo tên dân gian thì mọi người hay gọi là cà lù, cà quýnh hay gai cườm..Đây là loài cây phân bố chủ yếu ở Việt Nam và một số các nước nhiệt đới như đảo Hải Nam Trung Quốc, Thái Lan, Campuchia. Đây là loại cây rất dễ thích nghi trên cả ba miền Bắc- Trung -Nam tại nước ta.
Cà gai leo có dạng thân leo, bò trên đất hoặc leo trên thân các cây khác, phần thân của cà gai leo có chiều dài khoảng từ 60-100cm, chiều dài này có thể cao hơn tùy thuộc vào kỹ thuật chăm sóc cây cà gai leo.
Phần lá cây cà gai leo thuôn dài hình bầu dục, có lông mịn màu trắng, có lớp gai tơ mỏng trên lớp lá. Hoa thường được mọc thành từng cụm, có màu trắng và thường ra hoa vào khoảng tháng 4-5. Qủa khi chín sẽ có màu đỏ rực không giống như quả các loại cà khác.
Cách phân biệt cây cà gai leo với các giống cà khác
Dưới đây là cách phân biệt cà gai leo với cà dại và cà gai leo với cà tàu mà các bạn cần phải lưu ý khi thực hiện chọn giống.
Cách phân biệt cà gai leo và cà dại
Cà gai leo và cà dại thường khá là giống nhau. Tuy nhiên, nếu để ý kỹ thì bạn sẽ phân biệt được hai loại cây này với một số đặc điểm sau:
- Về thân cây: Cây cà dại thường cao hơn cây cà gai leo. Có xu hướng mọc thẳng đứng, cao từ 2-3m, trong khi đó cà gai leo lại thuộc dạng thân leo mọc bò trên đất hoặc leo lên các cây khác.
- Về lá cây: Lá cây cà dại cũng to hơn nhiều so với lá cây cà gai leo.
- Về quả: quả cà gai leo khi chín có màu đỏ, trong khi đó quả cà dại lại có màu vàng. Và kích thước quả cà dại to hơn quả cà gai leo khá nhiều.
Cần phải phân biệt được cà gai leo chuẩn và không chuẩn để mang lại hiệu quả khi gieo trồng và sử dụng
Cách phân biệt cà gai leo với cà tàu
Dưới đây là một số đặc điểm phân biệt cây cà gai leo với cây cà tàu:
- Cây cà tàu có là và thân đều có màu xanh lục nhạt và cây có khá nhiều gai sắc nhọn
- Cánh hoa của loại cà này thường có màu xanh lục nhạt hoặc màu trắng, có hình sao và thường hoa của loại cà này nằm ngoài nách lá.
- Không giống như quả của cây cà gai leo, quả của cây cà tàu có lông, vằn xanh khi chín có màu vàng tươi, còn quả chín của cà gai leo lại có màu đỏ.
Kỹ thuật chọn hạt giống
Lựa chọn hạt giống tốt sẽ giúp cây sinh trưởng và phát triển được tốt nhất và đem lại hiệu quả nhất khi trồng cà gai leo. Lượng hạt giống gieo trồng cà gai leo thích hợp đó là khoảng từ 1,8 – 2kg/ha.
Khi thực hiện chọn quả cà gai leo làm giống ươm để trồng thì cần lưu ý chọn những cây cà gai leo mẹ khỏe, sinh trưởng phát triển tốt trước đó và nên chọn những quả đỏ đã chín mọng để phơi khô lấy giống. Không nên chọn những quả màu xanh vì quả như vậy hạt chưa được mẩy sẽ dẫn đến hạt giống không đạt được tiêu chuẩn tốt nhật, đồng thời độ nảy mầm của loại hạt này sẽ rất kém.
Lưu ý là khi phơi quả cà gai leo lấy hạt thì bạn phải để đến khi vỏ quả nhăn hết lại và chuyển sang màu đen thì khi đó mới tách lấy hạt.
Nếu không muốn sử dụng hạt giống để gieo trồng thì có thể thay bằng những cây cà gai leo đã được ươm sẵn. Sau đó, sẽ trồng trực tiếp trên nền đất thịt và chú ý chăm sóc theo đúng kỹ thuật trồng cây cà gai leo. Tuy nhiên, khi lựa chọn cây giống thì nên lưu ý rằng phải mua ở những vườn ươm, cung cấp hạt giống uy tín, chất lượng nhất để không dính cà giả, cà kém chất lượng.
Để đạt tỷ lệ nảy mầm cao nhất, trước khi gieo, bà con nên ngâm nước ấm hoặc dung dịch trong khoảng 4 giờ, sau đó vớt ra và ủ cát ẩm từ 3 – 4 ngày để hạt cà gai nứt ra giúp hạt phát triển nhanh hơn.
Đồng thời trong quá trình ngâm, bà con sẽ loại bỏ được lần cuối cùng những hạt lép, hạt thối hỏng (vì những hạt này sẽ nổi lên trên mặt nước) trước khi đem ươm vừa có độ nảy mầm cao lại tiết kiệm công sức.
Kỹ thuật trồng cây cà gai leo đem lại hiệu quả cao
Sau khi chọn mua được giống thì trồng cà gai leo như thế nào để mang lại hiệu quả cao thì chúng ta cần phải nắm được các kỹ thuật cụ thể từ trồng cà vào mùa vụ nào, ươm giống như nào, chăm sóc ra sao và thời điểm thu hoạch nào là thích hợp đều vô cùng quan trọng để cà gai leo đạt được chất lượng tốt nhất trong việc phát huy được hết những công dụng của loại dược phẩm thần kỳ này.
Cách ươm hạt giống cây cà gai leo chuẩn xác nhất
Các vật dụng cần chuẩn bị để thực hiện ươm hạt giống cà gai leo bao gồm:
- Hạt giống cà gai leo
- Giá thể gieo: phân chuồng, đất phù sa, trấu đã được hun, vôi, lân, xơ dừa
- Phân bón
- Nhà che khi ươm hạt cây cà gai leo
- Có thể sử dụng thêm chất kích thích GA3 nồng độ 20ppm giúp hạt nảy mầm nhanh hơn.
Công thức của giá thể trồng cây để hạt được lên mầm tốt nhất sẽ được pha trộn theo tỷ lệ sau: 60 % đất phù sa + 1 % supe lân + 29 % phân chuồng + 10 % xơ dừa.
Lưu ý đất trồng phải là đất tơi xốp không được lẫn các loại sỏi đá và không chứa các loại hạt cỏ dại khác để cho hạt cà gai leo được nảy mầm và sinh trưởng tốt nhất.
Sau khi đã chuẩn bị xong hết các bước trên, bước tiếp theo bạn cần chuẩn bị đó là luống để ươm hạt cà gai leo. Luống này sẽ có chiều dài từ 80 – 110cm và chiều cao vào khoảng 5cm, chiều rộng để tiện cho việc chăm sóc thì nên để thành luống có kích thước cách nhau khoảng từ 40-50cm giúp việc di chuyển, chăm sóc cây dễ dàng hơn.
Khi tiến hành gieo hạt cứ 10m2 thì sẽ thực hiện gieo 1 gram hạt, rắc đều tay để cây con được lên với số lượng vừa phải. Hạt sau khi được gieo xong, cần thực hiện tưới nước từ 1-2 lần/ngày để độ ẩm luôn được đảm bảo cho cây phát triển tốt nhất.
Hạt được ươm khoảng 1 tuần và khi cây con đã lên thì bạn nên lưu ý tưới nước theo dạng phun sương nhẹ nhàng để tránh cây bị gãy, đổ, đồng thời bạn cũng nên nhổ cỏ thường xuyên để cây con không bị mắc bệnh và có thể sinh trưởng tốt nhất.
Khi cây lớn và cứng cáp hơn, thực hiện bỏ cây con vào bầu (kích thước bầu khoảng 7x12cm), cây mới trồng trong bầu nên tưới khoảng 1 ngày 1 lần. Sau vài ngày, khi bộ rễ mọc ra nhiều hơn chúng ta có thể tưới định kỳ 2-3 ngày 1 lần.
Mùa vụ thích hợp nhất để trồng cây cà gai leo
Hạt cà gai leo thường sẽ được ươm từ tháng 1 hoặc đến tháng 2. Từ tháng 2 đến tháng 3 là thời điểm mát mẻ, rất thích hợp để đánh cây con khi ươm hạt mang ra trồng ở không gian bên ngoài.
Phương pháp chăm sóc cây cà gai leo phát triển tốt nhất
Khi cây trong bầu cao được khoảng 15cm thì đây chính là thời điểm thích hợp có thể đem cây cà gai leo đi trồng. Lưu ý, không nên để cây cao quá vì như vậy cây sẽ phát triển không tốt, rất dễ bị còi cọc.
Đất đem trồng cây phải là đất thịt tơi xốp. Để cây được phát triển tốt nhất thì nên trộn phần đất thịt với phân chuồng và chia đất thành các luống với kích thước rộng 0,7m, rãnh sâu 30cm. Với mỗi luống như vậy nên trồng 1 hàng cây cà gai leo, mật độ thích hợp nhất cho sự phát triển của cây là hàng cách hàng khoảng 50×50 cm, cứ cây cách cây khoảng chừng 50x50cm.
Cách thức trồng
Khi trồng bạn bóc lớp nilon ở bầu túi ra một cách nhẹ nhàng để không mất đi lớp rễ từ trong bầu của cây, sau đó đặt cây ở chính giữa và lấp đất chặt ở gốc cây. Sau khi lấp đất, cần tưới cây ngay để cây không bị rút nước và kết nối được phần đất thịt mới trồng.
Tưới nước, chăm sóc cây
Quá trình sinh trưởng và phát triển của cây vào mùa hè do đó cần phải tưới nước thường xuyên để cây được phát triển nhất. Đặc biệt, khi cây bắt đầu ra quả cần chú trọng đến việc tưới nước cho cây. Khi tưới, bạn nên tưới theo kiểu nhỏ giọt, chạy dọc theo từng luống để nước có thể vào với cây mà không gây lãng phí hay gây úng rễ.
Bón phân cho cây cà gai leo sẽ gồm có bón thúc và bón lót:
- Khi bón lót cho cây bạn nên dùng phân chuồng hoặc phân vi sinh là tốt nhất.
- Bón thúc sẽ được chia thành 3 lần bón bao gồm: 1 lần sau trồng từ 7-10 ngày, lần 2 sau trồng khoảng từ 20-25 ngày, lần 3 sau trồng 35 ngày. Phân được sử dụng để bón lót là phân NPK và đạm Urê
Ngoài ra, cần thực hiện nhổ cỏ dại thường xuyên để phòng trừ sâu bệnh hại cho cây. Cây cà gai leo sinh trưởng và phát triển tốt, ít bị sâu bệnh nên công đoạn chăm bón đơn giản, tiết kiệm thời gian. Tuy nhiên, bà con cần để ý các loại sâu bệnh hại lá như sâu đo, sâu róm, sâu đục thân… Các loại sâu này thường gây hại chủ yếu vào thời kỳ cây còn nhỏ.
Trong quá trình chăm sóc, nếu thấy cây có biểu hiện còi cọc và chết thì nhỏ bỏ mang tiêu hủy và bổ sung cây mới ngay.
Thời điểm có thể thu hoạch cà gai leo
Thông thường cây cà gai leo sau khi trồng khoảng tầm 4 tháng là có thể thu hoạch được. Sau khoảng 2 tháng cây sẽ bắt đầu ra hoa và đậu quả, khi đến tháng thứ 5, thứ 6 bạn có thể tỉa một phần thân lá vừa để thu hoạch lại vừa giúp rễ cây quang hợp. Vào tháng thứ 7 trở đi, khi quả đã chín, chúng ta có thể tiến hành cắt gốc cây cách phần gốc khoảng từ 16-20cm để thu toàn bộ phần thân, lá, quả.
Vì cà gai leo là loại cây thuốc quý có rất nhiều tác dụng, đặc biệt trong việc điều trị các bệnh liên quan đến gan nên trồng cà gai leo đúng kỹ thuật vừa mang lại hữu ích cho sức khỏe lại vừa giúp tăng thu nhập.
Với những chia sẻ về kỹ thuật trồng cây cà gai leo của Vietfarm hy vọng đã giúp cho bạn biết cách trồng cà gai leo hiệu quả nhất, đạt năng suất và chất lượng cao nhất. Chúc các bạn thành công khi thực hiện gieo trồng loại dược liệu quý này.