Diệp hạ châu
Diệp hạ châu (cây chó đẻ) là bài thuốc dân gian hữu hiệu trong việc giải độc gan, làm mát gan, bổ gan… Tuy nhiên, vẫn còn có nhiều người chưa hiểu rõ về vị dược liệu này. Do đó, chúng ta hãy cùng đi tìm hiểu chi tiết về loài cây này để xem đặc điểm, công dụng và cách dùng như thế nào để mang lại hiệu quả tốt nhất.
Những đặc điểm của diệp hạ châu
Các thông tin về tên gọi, đặc điểm, phân bố dưới đây sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về loài cây này.
1. Những tên gọi khác
Diệp hạ châu có nhiều tên gọi tiếng anh khác nhau như: Gripeweed, chamber bitter, leafflower. Tên khoa học là Phyllanthus urinaria L, thuộc họ Euphorbiaceae (Họ thầu dầu).
Tùy theo từng khu vực cũng như thói quen của mỗi vùng miền mà loài cây này còn có những tên gọi khác như kiềm đắng, trân châu thảo, cây chó đẻ răng cưa, điệp hòe thái, lão nha châu, diệp hậu châu…
2. Đặc điểm
Diệp hạ châu thuộc cây thân thảo với thân nhẵn, cứng, mọc thẳng. Thân ở phần gốc có màu hồng đỏ, còn trên ngọn non có màu xanh, gốc có xu hướng hóa gỗ. Chiều cao tối đa của cây chỉ khoảng 70 cm, trung bình là 30 cm.
Lá thuộc lá kép có màu xanh sẫm, kích thước nhỏ, mọc so le nhau. Lá có hình elip ở mặt trên nhẵn bóng, mặt dưới có phủ một lớp phấn trắng mỏng.
Hoa có cuống mảnh, ngắn. Hoa mọc dưới các cành lá thường là hoa cái, hoa đực mọc ở vị trí khác biệt so với hoa cái là ở các nách của cành.
Quả cũng có kích thước rất nhỏ, có gai và có khía. Bên trong quả có chứa nhiều hạt chia thành 3 cạnh.
Loài cây này ra hoa và cho quả trong khoảng thời gian khá dài từ tháng 2 kéo dài đến tháng 12.
3. Phân bố
Diệp hạ châu thích hợp sống ở những nơi có độ cao từ 100 – 600 m so với mực nước biển. Loài cây này phân bố ở nhiều nước trên thế giới như: Trung Quốc, Ấn Độ, Lào, Indonesia, Myanma, Nhật Bản, Nepal, Thái Lan, Việt Nam…
Tại Việt Nam, người ta bắt gặp loài cây này mọc hoang ở bất cứ đâu như bờ ruộng, vườn nhà, cánh đồng khô, vùng đất hoang, ven đường…
Diệp hạ châu có tác dụng gì?
Diệp hạ châu có tính hàn, vị đắng nên có tác dụng vào kinh phế, can làm mát gan, thanh nhiệt, tiêu độc, tương huyết, thanh can, lợi tiểu, tán ứ, tiêu viêm…
Trong thành phần của dược liệu này còn có: Phyllathin, phylteralin, flavonoid, rutin, acid amariinic, nhiều acid amin, acid hữu cơ, triacontanol… Đó đều là những thành phần dược tính quan trọng mang lại nhiều tác dụng cho sức khỏe con người, có thể kể đến như:
- Bảo vệ gan, nâng cao chất lượng hoạt động của gan, hỗ trợ điều trị các bệnh về gan như: Viêm gan siêu vi B, tăng men gan, gan nhiễm mỡ, thiểu năng gan…
- Kháng khuẩn, kháng viêm, đào thải độc tố, ngăn cản sự xâm nhập của các vi khuẩn như tụ cầu vàng, phế cầu, e. Coli…
- Điều trị mụn nhọt, lở ngứa, viêm da, bệnh chàm da…
- Hỗ trợ điều trị viêm họng, trị ho, viêm phế quản, ứ huyết đau bụng ở phụ nữ sau sinh, bệnh đái tháo đường,
- Hỗ trợ điều trị các vấn đề về tiêu hóa như táo bón, kích thích ăn ngon miệng…
Cách dùng diệp hạ châu như thế nào hiệu quả
Có nhiều cách dân gian khi sử dụng diệp hạ châu, dưới đây là một số bài thuốc đơn giản mà hiệu quả, các bạn có thể tham khảo:
Cách 1: Bài thuốc chữa vàng da, viêm gan
Các bạn chuẩn bị đầy đủ các nguyên liệu cho một thang thuốc sắc như sau:
- Diệp hạ châu 40 gram
- Dành dành 12 gram
- Cây mã đề 20 gram
Thực hiện: Tất cả các vị thuốc cần đem rửa sạch, sau đó sấy khô rồi cho vào trong nồi sắc thuốc có sẵn khoảng 0,8 – 1,0 lít nước. Sắc với lửa lớn cho đến khi sôi thì hạ nhỏ lửa và tiếp tục sắc cho đến khi nước cạn đi một nửa là có thể lấy ra uống đều trong ngày.
Cách 2: Bài thuốc giảm đau, tiêu độc tại chỗ
Với bài thuốc giảm đau, tiêu độc này, nguyên liệu chỉ cần sử dụng là diệp hạ chậu tươi cùng chút muối. Theo đó, các bạn lấy cây tươi rửa sạch rồi cho thêm một chút muối vào giã nát. Dùng trực tiếp hỗn hợp này đắp lên vùng da có mụn nhọt.
Cách 3: Bài thuốc chữa viêm đường tiết niệu
Những người bị viêm đường tiết niệu hãy sử dụng bài thuốc sau đây để điều trị:
- Diệp hạ châu: 1 gram
- Xuyên tâm liên: 1 gram
- Nhọ nồi: 2 gram
Cách thực hiện:
- Các nguyên liệu trên các bạn đem rửa sạch, sau đó mang đi phơi khô dưới tán cây mà không được phơi trực tiếp dưới ánh nắng mặt trời.
- Khi đã khô, đem nguyên liệu tán thành bột rồi sắc lấy nước uống.
Lưu ý: Nước diệp hạ châu chỉ nên sắc vừa đủ dùng trong ngày mà không được để sang ngày hôm sau sẽ làm biến chất tác dụng của dược liệu.
Những lưu ý khi sử dụng diệp hạ châu
Khi sử dụng diệp hạ châu, các bạn cần chú ý những vấn đề quan trọng sau để đảm bảo phát huy công dụng tốt và an toàn cho cơ thể:
- Trước khi sử dụng diệp hạ châu để sắc thuốc uống, các bạn cần tham khảo ý kiến bác sĩ về liều lượng, cách dùng để đảm bảo phù hợp với từng thể trạng cơ thể cũng như mức độ bệnh.
- Nếu đang sử dụng bất kỳ loại thuốc nào khác, các bạn cần tìm hiểu về những tương tác ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe rồi mới quyết định có nên dùng diệp hạ châu hay không.
- Đối với trẻ em từ 2 tuổi trở xuống và phụ nữ đang mang thai tuyệt đối không tùy tiện sử dụng vị thuốc này để chữa bệnh.
- Tác dụng phụ của diệp hạ châu đó là gây tiêu chảy hay bụng í ách khó chịu. Vì thế, nếu có hiện tượng này thì các bạn cũng không nên quá lo lắng. Tuy nhiên, nếu có bất kỳ dấu hiệu khác thường nào khác như choáng váng, buồn nôn, mệt mỏi, lờ đờ, khó chịu… cần báo ngay cho bác sĩ chuyên khoa.
Trên đây là một số thông tin về đặc điểm, công dụng, cách dùng diệp hạ châu đơn giản mà hiệu quả. Hy vọng những thông tin trên sẽ giúp bạn có thêm kiến thức hữu ích về vị dược liệu phổ biến trong thiên nhiên mang nhiều lợi ích cho sức khỏe.