Cát sâm
Cây cát sâm là loại thảo dược có chứa nhiều công dụng như chữa ho đờm, giải nhiệt, giảm mệt mỏi,… Cũng giống như các loại dược liệu khác, người dùng cần sử dụng đúng cách mới có thể phát huy hiệu quả và an toàn các tác dụng cho sức khỏe.
Thông tin về cây cát sâm
Cây cát sâm sinh trưởng và phát triển trên nhiều vùng miền của cả nước. Chính vì vậy, mỗi nơi có một cách gọi riêng nên loại cây này có rất nhiều tên khác nhau:
- Tên dược liệu: Cát sâm
- Tên gọi khác: Sâm nam, Sâm trâu, Sâm chuột, Sâm chèo mèo, Nam sâm, Cát muộn, Sâm sắn, Ngưu đại lực, Đại lực thự, Sơn liên ngẫu, Đảo điếu kim chung, Độc cước lập, Kim chung, Hang chởn (tiếng Tày).
- Tên khoa học: Millettia Speciosa Champ ex Benth và Callerya Speciosa Champ ex Benth Schot.
- Thuộc họ: Đậu Fabaceae.
Đặc điểm của cây cát sâm
Tuy không quá nhiều người biết đến nhưng cát sâm lại là loại cây rất dễ nhận biết nhờ sở hữu những đặc điểm sau đây:
- Thân cây: Thuộc dạng thân gỗ, các cành mọc vươn dài hàng mét, cành non có phủ lông mềm màu trắng, khi trưởng thành dần đổi sang màu nâu và nhẵn hơn.
- Lá cây: Thuộc dạng lá keo, cuống có phủ lớp lông trắng dày. Hình dạng đặc trưng là hình bầu dục, mặt trên màu xanh lục sẫm màu, mặt dưới màu trắng phủ lông.
- Hoa và quả: Hoa mọc thành cụm lớn, màu trắng ngà, mùa hoa mọc từ tháng 7 đến tháng 9. Quả hình dẹt và có lông mềm, hình dáng giống các loại hạt đậu nhưng to hơn.
Dược liệu cát sâm
Cát sâm dược liệu sử dụng là phần rễ cây phình to ở dưới đất giống hình dáng của củ.
Người ta dùng củ cát sâm 1 năm tuổi, bên ngoài là vỏ khô màu nâu sẫm, bên trong màu trắng, bột và ít xơ. Loại cây này trên 1 năm và càng lớn tuổi càng ít bột và nhiều xơ khó dùng.
Phân bổ địa lý cây cát sâm ở Việt Nam
Cây cát sâm được tìm thấy mọc hoang nhiều tại địa hình vùng núi, nơi có nhiều ánh nắng mặt trời, nhiều nhất là ở vùng núi Tây Bắc. Ngoài ra, nó còn mọc nhiều ở miền núi các địa phương Bắc Ninh, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Vĩnh Phúc, Hoà Bình, Nghệ An, Hà Tây,…
Hiện nay, với giá trị kinh tế và công dụng tuyệt vời của nó mà loại thảo dược này được nuôi trồng và thu hoạch có quy mô tại nhiều vùng khác nhau. Cây thường được gieo hạt vào mùa xuân, thu hoạch vào mùa Đông Xuân, khi cây được 1 năm tuổi.
Quy trình thu hái, sơ chế và bảo quản cát sâm
Vào mùa Đông, Xuân, người ta tiến hành thu hoạch củ cát sâm khi cây đã được 1 năm tuổi. Cách sơ chế như sau:
- Củ cát sâm rửa sạch hoàn toàn đất bụi, để khô nước.
- Thái thành từng lát mỏng hoặc củ nhỏ có thể bổ dọc.
- Phơi khô hoặc tẩm với nước gừng, nước mật cho thấm rồi sao vàng trên chảo nóng cho khô.
Dược liệu sơ chế xong có thể bảo quản nơi khô ráo, tránh mối mọt ẩm mốc.
Thành phần hoá học trong cát sâm
Theo TS.BS Nguyễn thị Vân Anh – Viện trưởng Viện nghiên cứu và phát triển Y Dược Học Cổ Truyền Dân Tộc thì trong củ có chứa thành phần chính là ancaloit.
Ngoài ra, các nghiên cứu tại Trung Quốc cũng xác định trong củ còn chứa các thành phần sau: Axit docosanoic, Daucosterol, Axit rotundic, Tetracosane, Syringin, Axetat, Octadecane,…
Tìm hiểu vị thuốc cát sâm có tác dụng gì?
Là một vị thuốc lâu đời và được sử dụng rộng rãi trong dân gian, nhưng nhiều người chỉ dùng mà chưa hiểu được về dược tính của nó. Vậy cát sâm có đặc tính gì và cát sâm có tác dụng gì?
Tính vị và quy kinh
Theo các ghi chép của Đông y thì cát sâm là vị thuốc có vị ngọt và tính bình, được quy vào kinh Phế và kinh Tỳ.
Dược tính của vị thuốc
Theo nghiên cứu của Y học cổ truyền thì tác dụng của sâm nam gồm:
- Công dụng dưỡng Tỳ, trừ hư nhiệt, lợi tiểu và bổ trung ích khí, sinh tân dịch, bổ hư nhuận phế, cường cân hoạt lạc.
- Chủ trị các bệnh ho có đờm, hay bị sốt về chiều, đau nhức đầu, kém ăn, cơ thể suy nhược, làm thuốc trị bí tiểu, thuốc bổ và thanh mát cơ thể, phục hồi cơ bắp, chữa các bệnh lao phổi, viêm phế quản, viêm khớp, viêm gan, bại liệt nửa người,…
Theo nghiên cứu Y học hiện đại thì sâm cát có tác dụng gì?
- Giảm hoạt động của ALT và AST trong huyết thanh, tác động đến các chỉ số gan và hàm lượng MDA có trong homogenate ở gan. Từ đó cát sâm có tác dụng bảo vệ gan khỏi các tổn thương cấp tính.
- Củ cát sâm có thành phần chống mệt mỏi, tăng cường sức khoẻ đáng kể. Các nhà khoa học nhận định, củ cát sâm là một loại thảo dược khá tiềm năng cho ngành sản xuất thực phẩm chức năng tương lai.
Các bài thuốc chữa bệnh từ cát sâm trong Đông y
Trong Đông y, củ sâm nam được dùng trong nhiều bài thuốc chữa các bệnh khác nhau. Dưới đây là các bài thuốc phổ biến mà bạn có thể tham khảo.
Bài thuốc 1 – Chữa triệu chứng ho và sốt
Khi người bệnh bị ho khan, ho kéo dài dai dẳng không dứt, có hiện tượng sốt và cảm giác khát nước có thể dùng bài thuốc này.
- 12g mỗi vị cát sâm và mạch môn, 8g mỗi vị thiên môn và vỏ rễ cây dâu.
- Sắc 400ml nước cùng với các loại thuốc trên với lửa nhỏ, cô cạn lại tới khi còn khoảng một nửa.
Chia bài thuốc sau khi sắc thành 3 phần bằng nhau và uống 3 lần trong ngày.
Bài thuốc 2 – Chữa cảm sốt hiệu quả
Bài thuốc này phù hợp với người bị cảm, sốt cao và có triệu chứng khát nước khó chịu trong người.
- Gồm cát sâm, cát căn mỗi loại 12g, cam thảo 4g.
- Sắc thuốc cùng 600ml nước cô cạn lại còn một nửa.
Một thang thuốc chia làm 3 phần nước thuốc và uống hết một ngày một thang.
Bài thuốc 3 – Bài thuốc lợi tiểu
Người bị tiểu tiện khó, có các triệu chứng đau nhức đầu, cảm thấy khát nước nên uống bài thuốc lợi tiểu này.
- Dùng 30g cát sâm loại nguyên củ (khoảng 2 – 3 củ), đem rửa sạch.
- Thái cát sâm thành từng lát mỏng, tẩm đều hai mặt với mật.
- Bắc chảo cho nóng, sao cho đến chuyển sang màu vàng.
- Cho cát sâm sao vàng sắc cùng 400ml nước đến khi còn ½.
Chia phần nước thuốc thu được thành 3 phần bằng nhau và dùng hết ngay trong ngày.
Bài thuốc 4 – Dành cho người bị cảm nắng
Khi bị say nắng, người bệnh thường có triệu chứng sốt nóng, đổ mồ hôi nhiều, thở gấp, đau nhức đầu, buồn nôn,… Để chấm dứt nhanh các triệu chứng này có thể cho người bệnh dùng cách sau:
- Các vị thuốc có 16g cát sâm, 14g mỗi loại mạch môn, cát căn, cam thảo đất.
- Sắc thuốc từ các loại thuốc rồi uống hết trong ngày.
Bài thuốc này có thể sử dụng cho trẻ em bị khó ngủ, người nóng về đêm.
Bài thuốc 5 – Trị chứng kén ăn
Trẻ nhỏ và người bị kén ăn, ăn uống không ngon miệng, mất cảm giác ăn uống thì bài thuốc dưới đây rất tốt.
- Cát sâm thái lát mỏng, tẩm cùng nước gừng tươi giã nhuyễn.
- Sao vàng trên chảo nóng với lửa nhỏ cho đến khi chuyển sang màu vàng.
- Dùng 30g cát sâm sắc với 400ml nước, đun cho đến khi còn lại 200ml.
Mỗi thang thuốc đun được chia thành 3 phần bằng nhau uống trong ngày. Kiên trì dùng trong nhiều ngày để kích thích ham muốn ăn và ăn ngon miệng hơn.
Bài thuốc 6 – Dành cho người bị suy nhược cơ thể
Bài thuốc này chuyên dùng cho người suy nhược cơ thể, cơ thể thường xuyên mệt mỏi, ốm yếu, chán ăn, mất ngủ,…
- Nguyên liệu gồm 20g lá đinh lăng phơi khô, 15g rễ đinh lăng đã sao vàng, 10g cát sâm, 8g sinh địa.
- Cho thuốc vào ấm sắc cùng 0.5 lít nước, đun cô cạn cho đến khi chỉ còn khoảng 150ml nước thuốc.
Mỗi lần uống ⅓ bát thuốc, uống thành 3 lần dùng hết trong một ngày, kiên trì dùng đều đặn trong khoảng 10 ngày đến nửa tháng để thấy hiệu quả.
Bài thuốc 7 – Cát sâm chữa thuỷ đậu
Bài thuốc này chỉ dùng khi các nốt thuỷ đậu trên da đã vỡ xẹp xuống.
- Thành phần bài thuốc gồm có cát sâm, vỏ hạt đỗ xanh, sinh địa, đậu ván trắng, hạt đỗ đen mỗi loại 12g; hoàng tinh, lá dâu, mạch môn, cam thảo dây mỗi loại 10g.
- Tất cả rửa sạch với nước, để ráo nước và phơi khô.
- Sắc nước 1 thang thuốc uống hết trong ngày.
Mỗi ngày chỉ dùng 1 thang thuốc cho đến khi bệnh thuỷ đậu khỏi hoàn toàn.
Bài thuốc 8 – Tác dụng với bệnh viêm gan truyền nhiễm
Người bị bệnh viêm gan truyền nhiễm (viêm gan A, viêm gan B, viêm gan C) có thể sử dụng bài thuốc sau:
- Dùng các vị thuốc với định lượng như sau: 20g mỗi loại cát sâm, rau má, cây chó đẻ; 16g mỗi loại nhân trần, hạt dành dành, cam thảo nam.
- Các nguyên liệu rửa sạch, cho vào ấm đun sắc với nước cho đến khi cô cạn lại chỉ còn một nửa.
Mỗi ngày uống hết một thang thuốc trên và phải dùng trong thời gian dài sau đó kiểm tra lại tình trạng bệnh.
Cách ngâm rượu cây cát sâm đúng cách
Cát sâm cũng được xếp vào danh sách các loại sâm của Việt Nam, chính vì thế, rượu thuốc ngâm từ loại thảo dược này được rất nhiều quý ông ưa chuộng và tìm hiểu.
Cát sâm tươi ngâm rượu
Khi chọn cát sâm ngâm rượu, bạn nên lựa chọn củ vừa khai thác, còn tươi, giòn, màu sáng, không bị nấm mốc hay thối rữa. Chọn củ sâm to và đều để đảm bảo dược tính cũng như tính thẩm mỹ khi ngâm rượu.
- Củ sâm rửa nhiều lần cho đến khi sạch hoàn toàn đất bụi bám ở củ.
- Ngâm trong nước muối pha loãng 30 phút để loại bỏ độc tố còn sót lại và phần nhựa tiết ra.
- Rửa lại bằng rượu để đảm bảo sạch hoàn toàn.
- Xếp củ cát sâm vào bình, sau đó đổ rượu trắng vào theo tỷ lệ cứ 1 kg củ thì cho 5 lít rượu trắng.
- Đậy chặt bình và bảo quản trong 6 tháng thì dùng được.
Ngâm rượu sâm nam khô
Nếu không tìm mua được sâm nam còn tươi thì cũng có thể dùng loại củ khô để ngâm rượu theo cách sau:
- Thái củ thành nhiều lát đồng đều có kích thước dài khoảng 1,5 – 2cm.
- Phơi khô trong nắng khoảng 5, 6 lần.
- Tiếp tục cho vào nồi đất để sao vàng hạ thổ trong khoảng 5 phút cho đến khi có mùi thơm rất dễ chịu toả ra.
- Xếp lát cát sâm vào bình, đổ rượu trắng ngâm theo tỷ lệ 1kg khô cho 12 lít rượu trắng.
- Đậy kín bình và bảo quản trong vòng 3 tháng hoặc hạ thổ rượu trong 3 tháng 10 ngày rồi sử dụng.
Lưu ý: Mỗi ngày chỉ nên uống từ 1 đến 2 ly rượu vào hai bữa ăn chính, không nên lạm dụng.
Giá củ cát sâm hiện nay bao nhiêu? Nên mua ở đâu?
Trên thị trường hiện nay có hai nguồn cung cát sâm chính là thu hoạch từ tự nhiên và từ nuôi trồng có quy mô.
Số lượng cây sâm nam mọc hoang trong thiên nhiên ngày càng hiếm do sự khai thác của người dân khu vực. Chính vì thế, nhiều địa phương đã tiến hành trồng và thu hoạch cây cát sâm theo quy mô. Cũng bởi lẽ thế mà mức giá cho sản phẩm này cũng khác nhau tùy theo mỗi vùng miền, thị trường cũng như điều kiện môi trường.
Vậy cát sâm giá bao nhiêu? Sản phẩm hiện nay đang được bán với mức giá dao động từ 300.000 đến 400.000 VNĐ/kg.
Tuy nhiên, với thực tế nhu cầu sử dụng đang ngày càng tăng cao thì trên thị trường bắt đầu xuất hiện những sản phẩm kém chất lượng. Do đó, lựa chọn một thương hiệu uy tín để mua dược phẩm chính là điều rất quan trọng.
Trên đây là những thông tin bổ ích về cát sâm – một loại dược liệu với nhiều công dụng được sử dụng rất phổ biến cũng như các bài thuốc chữa bệnh từ nó.